Syria: Từ độc tài tới xung đột nội chiến

Ảnh minh họa. Các hình ảnh tang thương trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 4,5 năm qua tại Syria. (Ảnh: Wiki)
Ảnh minh họa. Các hình ảnh tang thương trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 4,5 năm qua tại Syria. (Ảnh: Wiki)
Hơn 250.000 người Syria đã mất mạng trong cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 4,5 năm. Bắt đầu từ cơn gió của Mùa xuân Ả Rập mang đầy hy vọng, xung đột xoáy sâu vào các mâu thuẫn sắc tộc rồi leo thang thành một cuộc nội chiến trên toàn quốc. Khoảng 4 triệu người, trong đó phần nhiều là phụ nữ và trẻ em đã phải chạy trốn khỏi Syria nhằm tìm đường sống giữa các cuộc chiến sống còn của lực lượng quân chính phủ với phe nổi dậy cũng như với các chiến binh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
1. Syria trước nội chiến
Trước năm 2011, Syria nhìn bên ngoài có dáng vẻ của một quốc gia tương đối yên bình và là một điểm đến du lịch nổi tiếng với các thành cổ Palmyra đứng sừng sững hàng ngàn năm. Tuy nhiên, bên trong đây lại là một quốc gia độc tài đặt dưới cai trị sắt đá của gia đình nhà Assad, vốn xây dựng nên bằng giết chóc bạo lực từ những năm 1980. Trong đó, tai tiếng nhất là vụ thảm sát Hama 1982, quân đội Assad đã giết hại từ 20.000 đến 40.000 người nhằm gửi đến một thông điệp: phản đối chính quyền rồi bạn và cả gia đình sẽ bị giết.
Một nhà nghiên cứu và nhà báo sống tại Syria từ năm 2009 mô tả, sự khác biệt tại Syria trong những năm trước và sau cuộc cách mạng là: trước kia, chế độ Assad có thể sử dụng tra tấn và giết chóc để khủng bố người dân tuân theo. Nhưng từ năm 2011, rất nhiều người Syria quyết định thà đấu tranh rồi chết hơn là sống cam chịu dưới chế độ phát xít độc tài đã phạm đủ loại tội ác của nhân loại.
2. Một cuộc cách mạng bắt đầu với hy vọng
Rồi làn sóng của Mùa xuân Ả rập bắt đầu với các cuộc tuần hành biến thành cách mạng nhanh chóng lật đổ 3 chính phủ ở Tunisia, Ai Cập và Libya đều diễn ra vào đầu năm 2011, gây hứng khởi cho người dân Syria đang sống trong kìm kẹp.
Tháng 3/2011, một nhóm thiếu niên vẽ các khẩu hiệu cách mạng lên cổng trường học ở thành phố Deraa phía nam Syria và bị chính phủ bắt, rồi tra tấn. Hành động này cũng giống như vụ một thanh niên bán rau tự thiêu nhằm phản đối cảnh sát đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở Tunisia, các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Syria cũng được kích hoạt.
Sau khi cảnh sát nổ súng vào đoàn người biểu tình tại thành phố Deraa, nhiều người hơn nữa xuống đường.
Cũng giống như ở Tunisia, bạo lực của chính quyền khiến người phản đối trên khắp Syria sôi sục, đòi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Việc chính quyền tiếp tục sử dụng vũ trang để đàn áp những người bất tuân chỉ làm cho quyết tâm của người dân Syria mạnh hơn. Đến tháng 7/2011, hàng trăm ngàn người Syria đã ra đường tuần hành chống chính phủ.
Tuy nhiên, bàn tay sắt của ông al-Assad không chùn tay trước việc dùng bạo lực trấn áp số đông. Và lúc này những người biểu tình cũng bắt đầu sử dụng vũ khí, ban đầu là để bảo vệ chính mình, sau đó là chống lại quân chính phủ, kiểm soát các thành phố.

3. Nội chiến nổ ra
Bạo lực nhanh chóng leo thang thành nội chiến khi các binh đoàn quân nổi dậy được thành lập để đánh trả quân chính phủ. Các cuộc chiến lan tới thủ đô Damacus vào năm 2012.
Tới tháng 6/2013, Liên Hiệp Quốc thông báo có 90.000 người Syria thiệt mạng trong các cuộc xung đột. Tới tháng 8/2014, con số đó tăng gấp đôi, lên 191.000 người và lại tiếp tục tăng lên 250.000 vào tháng 8/2015.
Hơn 11 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 4 triệu người đã chạy trốn khỏi Syria, góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng di dân khổng lồ ở châu Âu.
Syria bây giờ không chỉ là chiến trường của hai phe chống và thuận Tổng thống Assad nữa. Nó đã khoác lên màu sắc sắc tộc, trong đó những người Hồi giáo dòng Sunni chống lại dòng Shia thiểu số mà ông Assad là một thành viên. Ngoài ra, sự trỗi dậy của các nhóm thánh chiến Hồi giáo như Nhà nước Hồi giáo (IS) khiến cho tình hình vô cùng phức tạp. Các quốc gia láng giềng như và các siêu cường như Nga, Mỹ cũng bị cuốn vào cuộc xung đột này.
Các nhà phân tích sử dụng thuật ngữ cuộc chiến đại diện (Proxy war) để chỉ cuộc chiến ở Syria hiện tại.
Tháng 9/2015, Nga nhảy vào Syria, vực dậy tổng thống Bashar al-Assad đang trên bờ vực sụp đổ. Nga tuyên bố giúp đồng minh Assad của mình chống khủng bố, trong đó bao gồm cả IS và những phe nổi dậy chống chính phủ, gồm cả những quân dân địa phương được Mỹ huấn luyện. Iran, Lebanon được biết cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho chính phủ dòng Hồi giáo Shia của Tổng thống Assad. Hôm 10/12, một quan chức Mỹ tố cáo chính quyền Syria mua dầu từ IS.
Bên kia chiến tuyến, phe nổi dậy đa số là người Hồi giáo dòng Sunni nhận được sự hỗ trợ từ Ả rập Saudi, Qatar, Mỹ, Anh và Pháp. Ngoài ra Mỹ còn hỗ trợ các dân quân người Kurd, những người không được đa số phe nổi dậy công nhận.
Tóm lại nếu Mỹ, Nga không thống nhất được các nguyên tắc chung trong bàn đàm phán chính trị bên trên thì cuộc xung đột đại diện ở bên dưới còn lâu mới đến hồi kết thúc. Đến nay Nga vẫn không buông lợi ích của mình gắn với chế độ Assad, còn Mỹ và phương Tây giữ nguyên quan điểm rằng ông Bashar al-Assad phải ra đi.
4. Sự trỗi dậy của khủng bố Hồi giáo cực đoan
Sinh ra trong hỗn loạn, Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn là một nhóm phát triển từ al-Qaeda ở Iraq đã kiểm soát được một vùng đất lớn từ phía bắc Iraq và sau đó lan sang Syria. Nhanh chóng trở thành tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới, tại Syria và Iraq.
Tháng 9/2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện không kích Syria với mục tiêu “làm suy yếu và cuối cùng triệt hạ IS”. Tuy nhiên liên quân tránh những cuộc xung đột mang lại lợi ích cho phe chính phủ Assad và không can thiệp vào các trận đánh giữa hai bên.
Đến nay, sau hơn 1 năm tiến hành không kích và với sự tham gia của Nga, Iran nhằm hỗ trợ quân chính phủ Syria, phiến quân khủng bố IS không chỉ không suy yếu đi mà còn tiếp tục kêu gọi thánh chiến toàn cầu.
5. Các giải pháp hòa bình
Vì không bên nào đủ sức mạnh để chấm dứt chiến tranh, cộng đồng quốc tế đã kết luận rằng chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể kết thúc nội chiến ở Syria trong thời gian ngắn nhất và yên bình nhất. Tuy nhiên, một số cố gắng của các quốc gia Ả Rập và Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn và đối thoại đã thất bại.
Đáng kể nhất cho tới thời điểm hiện tại là hội nghị thượng đỉnh Geneva (Thụy Sĩ) do Liên Hiệp Quốc triệu tập và có Mỹ, Nga tham dự hồi tháng 1/2014. Hội nghị này nhằm kêu gọi các cường quốc giúp thi hành Thông cáo Geneva 2012, theo đó cộng đồng quốc tế giúp Syria thành lập một chính phủ lâm thời làm cơ quan chuyển giao quyền lực ở Syria trên cơ sở các bên đều đồng thuận. Tuy nhiên, để đạt được đồng thuận giữa các bên trong cuộc xung đột Syria hiện tại là việc không dễ dàng.
Đến hôm qua (10/12), đại diện các phe nổi dậy ở Syria kết thúc 2 ngày đàm phán tại thủ đô của Ả Rập Saudi. Kết quả đạt được bước đầu là các nhóm đã đồng thuận trên hai nguyên tắc chung: “xây dựng một nhà nước Syria mới đa nguyên, không phân biệt sắc tộc” và “Tổng thống Bashar al-Assad cùng tay chân sẽ không có chỗ đứng trong mọi giai đoạn chuyển giao quyền lực”.
Vấn đề là ông Assad đi hay ở lại nằm trong tay của Nga và Mỹ, do đó, sự liên kết lỏng lẻo giữa các nhóm đối lập cũng phức tạp và đầy mâu thuẫn có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.
Cũng trong tháng 12 này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết một Tổ chức Hỗ trợ Syria quốc tế mới thành lập, bao gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập, Liên minh châu Âu, Liên Hiệp Quốc và 17 nước nữa đang “làm việc nhằm đạt được một cuộc họp ở New York vào 18/12”.

Post a Comment

Previous Post Next Post