Báo động dân tộc thiểu số đói nghèo

Nhiều chỉ tiêu liên quan đến xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, vệ sinh môi trường… ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn thấp. (Ảnh: sinhcafe.vn)
Nhiều chỉ tiêu liên quan đến xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, vệ sinh môi trường… ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn thấp. (Ảnh: sinhcafe.vn)

Đây là thông điệp được đưa ra tại “Diễn đàn Phát triển dân tộc thiểu số 2015” do Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)… phối hợp tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội.
Nội dung chính của diễn tập trung bàn thảo việc triển khai các mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2020.
Vùng dân tộc và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của Việt Nam, là địa bàn sinh sống của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với trên 13 triệu người, chiếm 14,28% dân số cả nước. Nhưng 53 dân tộc thiểu số luôn bị thiệt thòi, tỷ lệ đói nghèo rất cao, do hầu hết ở các vùng sâu, vùng xa, núi cao nên những phúc lợi mà họ được hưởng rất ít, nhiều nơi còn chưa có điện, chưa phủ sóng điện thoại, chưa có nước sạch, chưa có đường nông thôn, chưa có trường học, trạm y tế…
Mặc dù công tác xóa đói, giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số đã đạt được một số kết quả, nhưng theo ông Danh Út,  Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội thì có một thực tế vẫn rất đáng quan tâm là ở các vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm đến 47%, trong khi họ chỉ chiếm chưa đến 15% dân số cả nước, số hộ dân tộc thiểu số tái nghèo còn rất phổ biến…
Ông Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Chính phủ cũng thừa nhận rằng đến nay Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra, đối với dân tộc thiểu số đang còn cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước. Nhiều chỉ tiêu liên quan đến xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, vệ sinh môi trường… ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn thấp.

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, hầu hết chính sách mới chỉ mang tính hỗ trợ, thậm chí một số chính sách là bao cấp, cho không… nên một bộ phận người nghèo dân tộc thiểu số chỉ trông chờ, ỷ lại vào nhà nước và xã hội mà không chủ động vươn lên khi được tiếp động lực. Một số chính sách trùng lặp về đối tượng, địa bàn thụ hưởng. Chính sách đề ra còn có quá nhiều đầu mối dẫn đến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, thiếu minh bạch, rõ ràng về đối tượng thụ hưởng; mục tiêu đặt ra lớn, nhưng nguồn lực bố trí lại không đủ, thậm chí có chính sách không được bố trí vốn… Quy trình xây dựng chính sách còn nhiều bất cập, nhiều chính sách xây dựng chưa thực sự dựa trên nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số, chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các cơ quan, bộ, ngành liên quan và ở cơ sở cũng như của các đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Vì vậy, ông Danh Út cho rằng, chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn cần phải được thể hiện mạnh mẽ bằng các chỉ tiêu cụ thể trong các chương trình, chính sách cụ thể trong giai đoạn phát triển 2016-2020…
Theo Đại sứ Ireland tại Việt Nam – Caits Moran, giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt tới ngưỡng cần phải có một cách tiếp cận dựa trên sự khác biệt và bản sắc của các nhóm đối tượng. Trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện chính sách và ra quyết định đối với các dân tộc thiểu số trong 53 nhóm dân tộc thiểu số khác nhau cần thấu hiểu họ là ai, họ đang đối mặt với những khó khăn và nhu cầu ưu tiên của họ là gì. Đáp ứng điều đó, cần phải có cách tiếp cận mới, cởi mở và đưa ra các sáng kiến phù hợp, đảm bảo các nhu cầu của người dân tộc thiểu số do chính họ đề xuất dựa trên những bằng chứng, hay kết quả nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số.

Post a Comment

Previous Post Next Post