Phải chăng Việt Nam bất lực trong phòng, chống tham nhũng?

Tham nhung
Tham nhũng là một vấn nạn toàn cầu, tuy nhiên nguy cơ nhiều hơn ở những nước nghèo, nó làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thị trường, gây bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Vì thế cả thế giới đang chung tay chống lại vấn nạn này.
Thế nhưng báo cáo mới đây của Hà Nội và Sài Gòn nói rằng không có tham nhũng, vậy phải chăng Việt Nam đang bất lực?
Thông điệp của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-moon (Ảnh: un.org)
Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-moon
(Ảnh: un.org)
Nhân ngày Quốc tế Phòng, chống tham nhũng 9/12/ 2015, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã có thông điệp về vấn đề này.
“Đến nay, nhận thức của toàn cầu về tham nhũng đã thay đổi đáng kể, trước đây tham nhũng, hối lộ và các dòng tài chính bất hợp pháp thường được coi là một phần của chi phí kinh doanh, nhưng hôm nay tham nhũng được hiểu một cách rộng hơn, đầy đủ hơn là một loại tội phạm và có tính chất phá hoại.  
Trong Chương trình Phát triển bền vững đến năm 2030,  kế hoạch của chúng ta nhằm chấm dứt nghèo đói và đảm bảo đời sống trong sạch cho tất cả mọi người,  khẳng định sự cần thiết phải chống tham nhũng dưới tất cả các hình thức và kêu gọi giảm thiểu đáng kể các dòng tài chính bất hợp pháp cũng như thu hồi tài sản bị đánh cắp.
Rõ ràng tham nhũng tác động tiêu cực đến sự phát triển, các quỹ thay vì được dành cho trường học, trạm y tế và các dịch vụ công quan trọng khác, lại bị chuyển vào tay bọn tội phạm hoặc các quan chức không trung thực.
Tham nhũng đang thực sự làm trầm trọng thêm vấn đề bạo lực và sự bất ổn, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến sự không hài lòng với các cơ quan nhà nước, sự thất vọng đối với chính phủ nói chung và sự giận dữ và lo lắng của người dân.
Công ước của Liên Hợp Quốc về Chống tham nhũng cung cấp một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, và các công dân. Thông qua các quy định về phòng ngừa, hình sự hóa, hợp tác quốc tế và thu hồi tài sản, Công ước thúc đẩy các hoạt động toàn cầu hướng tới xóa bỏ tham nhũng.
Nhân ngày Quốc tế Phòng, chống tham nhũng, tôi kêu gọi các nỗ lực đoàn kết để đưa ra một thông điệp rõ ràng trên khắp thế giới, thông điệp đó mạnh mẽ nói không với tham nhũng và đề cao các nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị tốt. Điều này sẽ có lợi cho các cộng đồng và các quốc gia, góp phần mở ra một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”

Việt Nam với ngày Phòng, chống tham nhũng
Ngày Quốc tế Phòng, chống tham nhũng 9/12 năm nay với chủ đề “phá vỡ chuỗi tham nhũng”. Tại Việt Nam, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức tọa đàm “Phòng, chống tham nhũng vì bình đẳng xã hội ở Việt Nam”.
Chúng ta đều nhận thức rằng tham nhũng có tác động tiêu cực tới kinh tế- xã hội Việt Nam, tới chất lượng dịch vụ công và cơ hội bình đẳng cho mọi người dân Việt Nam, nó đang làm nền kinh tế thị trường bị méo mó, làm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo gia tăng.
 “Tất cả mọi người đều đồng ý rằng, phải phá vỡ chuỗi tham nhũng. Câu hỏi không phải là tại sao, cần làm gì mà là làm như thế nào,” ông Jairo Acuma – Alfaro, cố vấn chính sách UNDP New York đặt vấn đề.
Ông Jairo Acuma – Alfaro cho rằng, nguyên tắc vàng trong phòng chống tham nhũng là không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cho nên, một trong những điều kiện quan trọng là phải tăng tính độc lập, tự chủ của cơ quan phòng, chống tham nhũng.
Cùng với đó, phải xây dựng thể chế hiệu quả, trách nhiệm và minh bạch ở tất cả các cấp để thúc đẩy thực thi hiệu quả pháp luật về phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh các biện pháp mạnh nhằm bảo vệ nhân chứng/người tố cáo và thực hiện các cơ chế giám sát độc lập,từ bên ngoài (báo chí, người dân..).
Chúng ta phải hiểu thiết chế không phải của một cơ quan mà còn là cách thức làm việc tương tác giữa các cơ quan để có thể tìm ra kẽ hở động cơ cho tham nhũng,” cố vấn chính sách của UNDP lưu ý.
Viện trưởng Viện quản lý Châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Kinh tế Quốc dân, TS Nguyễn Văn Thắng cho biết, tham nhũng đang được coi là “dầu bôi trơn” cho công việc. Qua khảo sát quản trị địa phương, tham nhũng và chất lượng dịch vụ công cho thấy, ở đâu cán bộ còn cơ hội làm và lý giải theo ý mình (thiếu minh bạch), không chỉ rõ trách nhiệm và chỉ dựa vào quy trình nội bộ (thiếu sự tham gia) thì tham nhũng còn cao.
Tham nhũng làm tổn hại tới chất lượng dịch vụ công. Dù nhỏ, tham nhũng cũng phá vỡ nền tảng phát triển là sự sáng tạo, liêm chính. “Bôi trơn” tạo ra nhu cầu “bôi trơn” nhiều hơn trong tương lại, nhưng rõ ràng việc “bôi trơn bánh xe” đang phá hủy cả cỗ xe,” TS Thắng nói.
Đại biểu Quốc hội nói về tham nhũng
Sáng 28/10/2015, Quốc hội đã thảo luận về phòng, chống tham nhũng năm 2015, tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói rằng tham nhũng đang diễn ra trên mọi lĩnh vực cuộc sống, từ người có địa vị thấp đến người có địa vị cao trong xã hội; người tham nhũng ít nhìn người tham nhũng nhiều mà làm theo; người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập. Thậm chí, tệ hại hơn nữa là tham nhũng cả chính sách cho hộ nghèo, phát hàng cứu trợ…
Ông Phương lưu ý một dạng tham nhũng tinh vi nhưng lâu nay ít được đề cập và trong báo cáo cũng nêu chưa rõ, đó là tham nhũng chính sách, thông qua việc mua chuộc, chạy chọt để ban hành các văn bản pháp luật có kẽ hở để tạo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Liệu có thể có tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc phê duyệt dự án xây dựng mới Sân bay Long Thành hàng nghìn nghìn tỷ? Việc quyết tâm phê duyệt xây dựng cụm tượng đài 1.400 tỷ ở Sơn La? Việc phê duyệt xây dựng nhiều tuyến đường hàng ngàn tỷ mà vừa làm xong đã bị hỏng?…
Theo ông Phương, tham nhũng có chiều hướng phát triển một phần là do xử lý người tham nhũng chưa tương xứng với những lợi lộc mà họ được hưởng. Vì vậy, cần xử lý nghiêm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình.
Cần phải nỗ lực hơn nữa
Thực tế nếu công khai, minh bạch với người dân thì ít có cơ hội tham nhũng, vì vậy đòi hỏi phải có chính sách tăng cường sự minh bạch, công khai để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.
Những ví dụ thực tế về tham nhũng như dê, bò cho người nghèo đi nhầm vào chuồng của lãnh đạo huyện, xã; những khoản tiền lớn bôi trơn đút lót để nhận công trình dự án; những nghi nghờ về 30% thất thoát cho các bên A, B trong xây dựng cơ bản; những vụ chiếm đoạt tài sản ở Vinashin,…hiểu theo quan điểm của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon là nguồn quỹ bị chuyển vào tay bọn tội phạm hoặc các quan chức không trung thực.
Truyền thông cũng có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Truyền thông sẽ góp phần nâng đạo đức của những người làm trong các vị trí có điều kiện tham nhũng để họ thấy trách nhiệm phục vụ nhân dân, vì cộng đồng, không nên tư lợi cá nhân, để họ hiểu rằng không nên nhận lấy những đồng tiền dơ bẩn.
Nếu hiểu rằng tham nhũng chính là tội phạm thì nên kiên quyết xử lý, ít ra cũng phải xử lý một cách công khai những trường hợp đã bị báo chí phanh phui để người dân tin. Việc phòng, chống tham nhũng cũng phải thực hiện thật sự, không nên làm lấy lệ như Hà Nội, Sài Gòn, báo cáo không có tham nhũng thì liệu người dân có tin không?

Post a Comment

Previous Post Next Post