Năm 2015 đã trôi qua, cùng điểm lại những câu nói được xem là “để đời” của quan chức Việt trong năm này.
“Ùn ứ” chứ không phải ùn tắc giao thông
Ngày 29/9/2015, trong một cuộc họp định kỳ của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, khi có ý kiến thắc mắc không đồng tình với khái niệm “ùn ứ” xuất hiện trong bản báo cáo an toàn giao thông, cũng như số liệu về các vụ ùn tắc. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường đã trả lời rằng: “Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được.”
Chưa có tượng đài là thiệt thòi
Các địa phương đua nhau xây tượng đài Hồ Chủ Tịch, địa phương xây sau nhất định phải có tượng đài to hơn, đẹp hơn trượng đài trước. Đến một tỉnh thuộc dạng nghèo nhất nước như Sơn La cũng quyết xây tượng đài 1.400 tỷ đồng mặc cho người dân đói khổ lại vừa trải qua 2 đợt lũ lớn và phải nhận hàng nghìn tấn gạo để cứu đói.
Khi nhiều người có ý kiến không nên xây tượng đài quá tốn kém này Ông Cầm Ngọc Minh Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao đổi với phóng viên báo Soha rằng: “Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi.”
Còn Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam – ông Đào Ngọc Nghiêm phát biểu với Soha rằng: “Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề xây tượng như thế là đắt hay rẻ. Trước khi phán xét, cần phải nhìn tổng thể giá trị văn hóa.
Tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển. Không thể nói rằng vì nhiều người còn đói nên để tiền đó mua cơm trước. Đôi khi văn hóa phải đi trước.”
Giáo Sư Ngô Bảo Châu đã nêu ý kiến về vấn đề này trên Facebook cá nhân: “Số tiền này đủ để xây toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.”