Nhóm họp các phe nổi dậy Syria, màn dạo đầu của tiến trình hòa bình?

Ảnh minh họa. Tổng thống Obama từng khẳng định Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi thì tiến trình hòa bình mới có thể thực hiện. (Ảnh minh họa: Facebook)
Ảnh minh họa. Tổng thống Obama từng khẳng định Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi thì tiến trình hòa bình mới có thể thực hiện. (Ảnh minh họa: Facebook)

Theo Reuters, hôm 10/12, các đại diện của phe nổi dậy ở Syria đã kết thúc cuộc họp 2 ngày do Ả Rập Saudi khởi xướng, và đã đi đến một tuyên bố chung về các nguyên tắc đồng thuận nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại với chính phủ Syria vào năm sau.
Hơn 100 thành viên của các phe phái đối lập tại Syria đã tham gia cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi nhằm đạt được một lập trường chung trước khi thương thuyết với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cuộc đàm phán đã đạt được một tuyên bố kết chung, trong đó kêu gọi thành lập “chế độ đa nguyên đại diện cho mọi sắc tộc ở Syria”.
Ngoài ra, các nhóm nổi dậy được mời đều nhất trí rằng Tổng thống Bashar al-Assad và tay chân của ông sẽ không có một chỗ đứng nào trong mọi giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Tuy nhiên, có các báo cáo mâu thuẫn nhau về việc một nhóm Hồi giáo thủ cựu có tên Ahrar al-Sham có chấp nhận tuyên bố chung này hay không. Reuters đưa tin nhóm này đã chấm dứt đàm phán và cáo buộc tổ chức Liên minh Quốc gia Syria có lập trường mềm mỏng với chính phủ Assad đã được trao vai trò quá lớn.
Mặc dù vậy, sau đó lại có tin đại diện của Ahrar al-Sham vẫn ký vào một bản sao của tuyên bố chung.
Trước đó, hầu như các nhóm đối lập đều yêu cầu ông Assad phải ra đi trước khi khởi động bất kỳ một cuộc đàm phán nào. Tuy nhiên, cuộc họp và tuyên bố này đã cho thấy, phe đối lập ngầm chấp nhận việc ông Assad có thể ở lại cương vị tới khi chính phủ quá độ được hình thành. Đây là đánh tín hiệu về “một thay đổi lớn” ở phía các nhóm đối lập.

Các nhóm nổi dậy nào tham gia cuộc họp?
Ahrar al-Sham: một nhóm Hồi giáo bảo thủ cực đoan, có lực lượng rất mạnh. Nhóm này  thề lật đổ chế độ Assad để biến Syria thành một quốc gia Hồi giáo. Đây là một thành phần trong một liên minh lớn hơn tên là Jaysh al-Fatah. Liên minh này thu nhận cả al-Nusra Front, một tổ chức liên đới với al-Qaeda mà bị cộng đồng quốc tế coi là khủng bố.
Liên minh Quốc gia vì cách mạng Syria (The National Coalition): là một liên minh chủ yếu mang màu sắc chính trị lập ra ở Qatar được Mỹ và đồng minh phương Tây ủng hộ với mục tiêu thay thế chính quyền Assad hiện tại.
Ủy ban điều phối quốc gia Syria: gần như được chính quyền Damascus chấp nhận, tức là không gán nhãn khủng bố và ném bom. Lập trường kêu gọi đàm phán nhằm đạt được sự chuyển giao hòa bình.
Jaysh al-Islam: một nhóm nổi dậy Hồi giáo hoạt động chủ yếu ở quanh thủ đô Damascus. Nhóm này từng kêu gọi thành lập một nhà nước Hồi giáo tuy nhiên hiện tại thủ lĩnh của nhóm nói rằng muốn người dân Syria tự quyết định kiểu chính phủ mà họ muốn.
Liên minh Mặt trận phía Nam: Nhóm được phương Tây ủng hộ, hoạt động chủ yếu ở phía nam, tự gọi là “tiếng nói ôn hòa và cánh tay đắc lực của người dân Syria”.
Các nhóm Hồi giáo độc lập: Các đoàn dân quân độc lập, chủ yếu là do người dân địa phương tự thành lập, tuyên bố tuân theo cả nguyên tắc Hồi giáo và Dân chủ.
Các nhóm không được mời?
Người Kurds ở miền bắc Syria, những người tuyến đầu mặt trận chống IS. Họ tự tổ chức cuộc họp riêng và cũng bàn về tương lai của Syria.
Jabhat al-Nusra: Bị quốc tế coi là khủng bố. Nhóm này được IS thành lập ở Iraq năm 2011, sau đó lớn mạnh và tách riêng ra vào năm 2013 nhưng vẫn tuyên bố trung thành với al-Qaeda.
Nhà nước Hồi giáo IS (IS): Nhóm khủng bố mạnh nhất và đáng sợ nhất hiện tại, tuyên bố thánh chiến Hồi giáo với Mỹ, Nga và phương Tây, lý do chính khiến các cường quốc buộc phải nhảy vào hành động ở Syria.
Phe nổi dậy ở Syria có thể hợp tác hay không?
Thành quả quan trọng nhất của hội nghị Riyadh là tạo ra một khuôn khổ và cơ chế phổ rộng để phe đối lập, quân nổi dậy ít nhất có cùng một lập trường chung trước các cuộc thương thuyết với chính phủ Syria – nếu có thể tổ chức được vào đầu tháng 1 năm sau.
Đây chính là điều mà Mỹ và các đồng minh mong mỏi, một màn dạo đầu cho các vòng đàm phán hướng đến giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài hơn 4,5 năm tại Syria. Ngay trong tháng này sẽ có một cuộc họp giữa các cường quốc bên ngoài đang có ảnh hưởng tại Syria, bao gồm cả Nga và Iran.
Nhưng kết quả này không có nghĩa là mọi chuyện sẽ thuận buồn xuôi gió.
Các phe nổi dậy vốn không muốn nhường nhau về quyền lực, Ahrar al-Sham tuy mạnh về lực lượng nhưng lại bao gồm cả quân khủng bố khiến phương Tây e ngại và từng tuyên chiến với cả các nhóm nổi dậy khác.
Mặc dù các đại diện đã đặt bút ký chung một tuyên bố chấp thuận một tầm nhìn đa nguyên và dân chủ nhưng từ trước nhiều phe phái đã từng thề áp đặt Syria dưới luật Hồi giáo. Sự nghi ngờ lẫn nhau có thể thấy rõ trong cuộc họp.
Và cuối cùng, sự sống còn của tuyên bố chung này gần như đặt trên một cơ sở duy nhất: ông Assad phải ra đi. Nếu Mỹ, đồng minh trong cuộc họp với Nga tiếp theo không đạt được tiến triển gì làm hài lòng họ, nếu không giữ được cái đinh ghim duy nhất móc nối các nhóm nổi dậy này lại với nhau thì mọi thứ sẽ nhanh chóng tan đàn xẻ nghé.

Post a Comment

Previous Post Next Post