Lừa xuất khẩu lao động, sao dễ dàng đến thế?

Người lao động bị lừa đưa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) càng ngày càng xảy ra nhiều, chẳng lẽ chính quyền không có biện pháp nào bảo vệ người dân? (Ảnh: dinhat.com)
Người lao động bị lừa đưa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) càng ngày càng xảy ra nhiều, chẳng lẽ chính quyền không có biện pháp nào bảo vệ người dân? (Ảnh: dinhat.com)

Người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị lừa ngày càng nhiều, chẳng lẽ cơ quan chức năng không có biện pháp nào để bảo vệ người dân sao?
Nông dân nước ta hầu hết đều có cuộc sống khổ cực, bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Miền Trung hạn hán, miền núi phía Bắc mưa lũ ngập lụt mất mùa. Có nhiều nơi, nông dân chỉ còn cách bỏ ruộng đi làm lao động thuê cho nước ngoài. Ấy vậy mà chuyện bị lừa xảy ra như cơm bữa.
Liên tiếp xử phạt vi phạm
Theo thông tin từ Bộ Lao động TBXH, việc xuất khẩu lao động trong đầu năm 2015 vẫn xảy ra nhiều vụ việc vi phạm, lừa đảo. Cục Quản lý Lao động Ngoài nước đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Cung ứng Nhân lực và Thương mại Vietcom-Vietcom Human; Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Dầu khí Hải Phòng; Công ty Cổ phần Quốc tế Nhật Minh; Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Cát …có nhiều vi phạm đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Đồng thời rút giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hải và Du lịch Sài Gòn – Proshiper; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Sơn La – SOLGIMEXJSCO…
Theo thông tin, trong 10 tháng đầu năm nay đã xảy ra gần 250 vụ lừa đảo đưa người đi XKLĐ, nhiều hơn hẳn cùng kỳ những năm trước, đó mới chỉ là những vụ bị phát hiện. Còn hàng trăm vụ lừa đảo nữa còn đang chìm trong bóng tối. Và chưa tính đến chuyện hàng trăm người, đều là phụ nữ, bị lừa đưa sang Trung Quốc, nói là để làm những công việc nhàn hạ, lương cao, nhưng hậu quả là họ bị bán sang đó làm vợ hay bán vào những động mại dâm.
Chiêu thức kẻ lừa đảo thông thường là tự xưng đang làm việc trong một cơ quan nhà nước, có người thân làm trong những công ty có chức năng XKLĐ, hoặc tự “vẽ” ra cho mình chức năng đó. Có kẻ thậm chí còn “tự phong” cho mình một chức vụ khá lớn ở cơ quan công an hay quân đội, hay là người của Bộ LĐ-TB&XH.
Họ là làm giả hợp đồng lao động, hoặc thông báo tuyển dụng lao động đi làm ở thị trường lao động nào đó, nhằm lấy lòng tin của những đối tượng mà họ muốn lừa đảo. Những người này “nổ” trực tiếp với người lao động hoặc thông qua những “cò XKLĐ” tại địa phương, để gom tiền của những ai muốn đi XKLĐ.
Để thu hút “con mồi”, họ “vẽ” ra những viễn cảnh tươi sáng: lương cao, được chăm sóc y tế đầy đủ khi ốm đau, công việc nhàn hạ… Khi nắm được tiền trong tay, họ “lặn” mất tăm hoặc hẹn lần hẹn lữa về thời gian đưa lao động sang nước đối tác.

Chuyện về một bẫy lừa xuất khẩu lao động
Khi biết nhiều sinh viên sau khi ra trường có nhu cầu ra nước ngoài làm việc, Vũ Việt Dũng, trú TP. Huế (Thừa Thiên – Huế), đã nghĩ ra bẫy lừa xuất khẩu lao động. Khi bị bắt, số tiền mà Dũng lừa được đã lên tới 2,3 tỷ đồng.
Dũng đã chủ động tìm đến các sinh viên rồi tự giới thiệu mình là Giám đốc Công ty TNHH Detonon, trụ sở tại Hà Nội. Khi gặp gỡ các nạn nhân, Vũ Việt Dũng luôn cho mọi người biết, công ty mình có mối quan hệ với các đối tác ở CHLB Đức. Theo đó, nếu muốn sang Đức xuất khẩu lao động, các sinh viên phải chi 7 nghìn USD, khoản tiền này đã bao gồm học phí đào tạo, vé máy bay, hộ chiếu…
Để các nạn nhân tin tưởng, Vũ Việt Dũng đã lên mạng internet tải về một bộ mẫu hợp đồng lao động của CHLB Đức để ký hợp đồng và tự cam kết với những người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài. Ngoài ra, Dũng còn đặt khắc một con dấu với nội dung “Công ty TNHH Detonon đã thu tiền”, để đóng vào các biên lai thu tiền nhằm tạo niềm tin cho nạn nhân.
Chưa hết, đối tượng này còn thuê mặt bằng ở trên đường Bến Nghé, khu vực trung tâm TP. Huế để mở văn phòng, rồi treo biển doanh nghiệp “ma”, là Công ty TNHH Detonon, khi hoàn toàn chưa được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động…
Tin vào những lời đường mật của Dũng, cùng với trụ sở khá hoành tráng của chi nhánh Công ty TNHH Detonon tại TP. Huế… nên nhiều nạn nhân đã “sập bẫy” của Dũng đã giăng sẵn. Trong số nạn nhân của Dũng có anh Nguyễn Văn C., trú Quảng Bình. Anh C. cho biết, thông qua một số người giới thiệu, khi gặp Dũng nói rằng, có thể xin việc ở CHLB Đức. Dũng còn “bồi” thêm bỏ ra 7 nghìn USD nhưng chẳng mấy chốc trả hết nợ và sau 5 năm lao động trở về sẽ dư tiền tỷ…
Tin lời của Dũng, anh C. đã bàn với gia đình, rồi đi vay 150 triệu đồng nộp đủ kèm theo một bộ hồ sơ chờ ngày lên đường. Cũng theo nạn nhân này, khi nhận tiền, Dũng hứa sẽ lên máy bay trong vòng 2 tháng, thế nhưng chờ hơn cả năm vẫn chưa xuất khẩu lao động được. Nạn nhân liền gọi điện cho Dũng thì không liên lạc được, tìm đến trụ sở chi nhánh công ty trên đường Bến Nghé thì luôn đóng kín cửa.
Về phần Vũ Việt Dũng sau khi lừa được một khoản tiền lớn của nhiều nạn nhân đã tìm đường bỏ trốn. Tuy nhiên, sau đó thấy mình không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật nên đã đến cơ quan công an TP. Huế đầu thú. Do vụ việc tương đối phức tạp, công an TP. Huế bàn giao hồ sơ vụ án cùng đối tượng Vũ Việt Dũng cho cơ quan CSĐT công an tỉnh Thừa Thiên – Huế để tiếp tục thụ lý, điều tra theo thẩm quyền về hành vi lừa chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan, bước đầu cơ quan điều tra đã xác nhận bằng bẫy lừa xuất khẩu lao động, đối tượng này đã lừa 18 nạn nhân ở Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, rồi chiếm đoạt số tiền khoảng 2,3 tỷ đồng…
Cần phải giúp người dân tránh bị lừa
Gần 250 vụ lừa đảo XKLĐ trong 10 tháng, với hàng ngàn nạn nhân, kết quả là hàng ngàn gia đình lâm cảnh khốn cùng vì đã vay mượn với lãi suất cao, nhiều gia đình đã cắm cả sổ đỏ thửa đất, ngôi nhà đang ở cho ngân hàng, cho “tín dụng đen” để lấy tiền đưa cho kẻ lừa đảo.
Nạn nhân thường ở nông thôn, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, nơi người lao động thiếu thông tin, không phân biệt được thật giả. Kinh tế khó khăn, không tìm được việc làm nên hầu hết những lao động đó đều nóng lòng có việc làm, nhất là việc làm ở nước ngoài có thu nhập cao.
Người dân cần phải tự bảo vệ mình, có bất cứ ai đến gạ gẫm đi XKLĐ thì nên báo cho chính quyền biết, để chính quyền vào cuộc, làm rõ trắng đen đối với những đối tượng đang “tuyển dụng lao động” đó: Họ là người của cơ quan nào? Cơ quan đó có chức năng đưa người đi XKLĐ không? Chính quyền cũng cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để giúp người dân tránh được rủi ro bị lừa.
Hiện nay do buông lỏng quản lý các công ty xuất khẩu lao động nên nhiều trường hợp lừa đảo xuất khẩu lao động đã xảy ra, gây thiệt rất lớn cho người dân. Do không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao, nên nhiều người đã phải lựa chọn đi xuất khẩu lao động, nhưng thời gian qua báo chí đã đưa tin về rất nhiều các vụ việc lừa đảo, thiệt hại rất lớn cho người dân đang rất nghèo khó.

Post a Comment

Previous Post Next Post