Mặc dù chúng ta tự hào kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng cao trong khu vực, song vì quy mô GDP khoảng hơn 150 tỷ USD, khá nhỏ hơn so với các nước trong khu vực. Tuy từ năm 2008, Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo, nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ bị doãng ra.
Năm 2014, GDP bình quân đầu người của Việt Nam 2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ tương đương với Malaysia vào năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010, Hàn Quốc năm 1982.
Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 3/5 Indonesia, 2/5 Thái Lan, 1/5 Malaysia, 1/14 Hàn Quốc và bằng 1/27 Singapore. Đồng thời, xét trên góc độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia 25 năm, Thái Lan 20 năm…
Sự tụt hậu của nền kinh tế càng rõ nét hơn khi con số thống kê cho thấy chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nổi bật nhất là chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua các năm và ở mức cao so với các nước.
Nếu như năm 1989, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế là 43,8%, thì đến năm 1996 tỷ lệ này tăng lên 52,3%. Tỷ lệ tiếp tục tăng đều lên 56,5% vào năm 2000 và 64,1% vào năm 2007. Cho đến năm 2012, ước tính chi phí trung gian đã chiếm tới trên 70% giá trị sản xuất. Trong khi đó, các nước khu vực tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 50%.