Y đức – dược đức: Giá thuốc trên cao! (P3)

Nhiều loại biệt dược, thuốc độc quyền điều trị nhiều loại bệnh mãn tính, tim mạch, ung thư... đang bị đẩy giá lên cao, khiến nhiều người phải dừng điều trị vì không kham nổi tiền thuốc. (Ảnh minh họa/Internet)
Nhiều loại biệt dược, thuốc độc quyền điều trị nhiều loại bệnh mãn tính, tim mạch, ung thư... đang bị đẩy giá lên cao, khiến nhiều người phải dừng điều trị vì không kham nổi tiền thuốc. (Ảnh minh họa/Internet)
Phần 3: Một thị trường phân phối nhiều lũng đoạn
Phần 1 và phần 2 đã đề cập tới tình trạng liên kết “ngầm” giữa ba chân trụ: công ty thuốc nước ngoài – các công ty phân phối dược trong nước – nhân sự bệnh viện (hội đồng đấu thầu, các cá nhân bác sĩ…).
Các mối quan hệ ngầm này được duy trì bằng hối lộ và % hoa hồng, đổi lại là những hợp đồng phân phối thuốc nhiều tỷ đồng. Điều này dẫn tới tình trạng độc quyền và câu kết nâng giá của một số thuốc nhập khẩu, của tỷ lệ sử dụng thuốc ngoại quá cao so với thuốc nội trong khi dân còn nghèo. Từ các “góc tối” đấu thầu, hoa hồng, giá thuốc bị đẩy lên cao nhiều lần để chi trả cho nhiều tầng nấc trung gian. Người dân là những người cuối cùng phải gánh những giá thuốc “trên trời”.
Phần 3 sẽ chỉ ra những thủ thuật lũng đoạn phân phối, làm giá trên thị trường dược.

“Thị trường dược tại Việt Nam hỗn loạn”
Bất cứ ngành công nghiệp nào thì đều phải đứng hai chân là sản xuất và tiêu thụ. Thế nhưng ngành Dược VN lại đang sống với một tư duy khập khiễng, chấp nhận “đi nạng” chỉ với một chân phân phối. Rõ ràng là hoàn toàn bất ổn”, bà Phạm Khánh Phong Lan – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phụ trách lĩnh vực dược cho hay tại buổi thảo luận tại tổ về Luật dược ở Đoàn ĐBQH TP.HCM hôm 19/11, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
Theo bà Lan, nhiều công ty, tầng nấc trung gian tham gia phân phối làm thị trường dược tại Việt Nam hỗn loạn. Thuốc tới tay người tiêu dùng bị đội giá lên rất nhiều. Một trong những nguyên nhân là “có tình trạng các công ty nước ngoài núp bóng các công ty dược Việt Nam để phân phối“.
Hiện nay, luật chưa cho phép công ty nước ngoài phân phối dược phẩm, nhưng thực tế họ đã tiến hành phân phối trực tiếp dưới các hình thức “núp bóng” các công ty dược trong nước. Các công ty VN chỉ đăng ký hoạt động trên hình thức và nhận chi phí trung gian”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Lan.
Hiện trong cả nước có tới hơn 2.000 công ty phân phối trong khi chỉ có 180 nhà máy sản xuất thuốc (gấp hơn 11 lần). Trong số 180 nhà máy, có 130 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, công suất mới đạt 50%. Điều này tạo ra một hệ thống phân phối thuốc phức tạp, nhiều nấc trung gian và khó kiểm soát, trong khi việc sản xuất thì thiếu thốn.
Nhưng mà rất tiếc, đối với luật, đủ điều kiện, người ta đến xin cấp phép thì mình phải cấp thôi. Và như vậy con số hiện nay lên tới 1.000 rồi, còn cả nước thì gần 2.000. Liệu chúng ta có cần đến chừng đó tầng nấc trung gian hay không?”, bà Lan đặt câu hỏi.
Tổng giá trị tiêu thụ thuốc và chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm từ 2005 đến 2028 (dự kiến). (Nguồn: Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS)
Tổng giá trị tiêu thụ thuốc và chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm từ 2005 đến 2028 (dự kiến) cho thấy tiềm năng lớn của thị trường dược. (Nguồn: Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT)
Những thủ thuật lũng đoạn phân phối: “cắt lô”, độc quyền số visa
“Cắt lô” là việc thu gom, bao tiêu một lô thuốc từ hãng dược nước ngoài sản xuất, đưa về Việt Nam và phân phối độc quyền. Nhiều khách hàng cũng “cắt lô” mua thuốc tại những công ty sản xuất thuốc trong nước, nhận bao tiêu sản phẩm.
Theo đại diện Cty cổ phần Dược phẩm Euvipharm có nhà máy ở tỉnh Long An, chuyện “cắt lô” khá phổ biến vì đây là hình thức kinh doanh đúng pháp luật. Việc cắt lô được tiến hành với điều kiện có pháp nhân kinh doanh dược rõ ràng, người nhận bao tiêu cũng chịu trách nhiệm bảo quản thuốc, công nợ, xuất bán có hóa đơn chứng từ đầy đủ, theo thông tin từ báo Lao Động.
Mặt trái của việc này là các chủ phân phối có thể lũng đoạn thị trường thuốc đối với những bệnh mãn tính.
Mình chỉ “cắt lô” một hai mặt hàng chuyên điều trị tiểu đường thôi, bởi dễ bán và được giá”, anh Hoàng Văn Huy, người chuyên nhập hàng và phân phối thuốc ở Sài Gòn cho biết trên tờ Tiền Phong.
“Chiêu trò” của đơn vị phân phối là việc “vét lô”, hoặc chia ra để độc quyền phân phối. Giá rất dễ đẩy lên cao khi mặt hàng trở nên khan hiếm, còn người bệnh thì buộc phải mua để chữa bệnh.
Bệnh nhân nằm ở sân Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chờ điều trị, tháng 1/2013. (Ảnh: vnexpress.net)
Bệnh nhân nằm ở sân Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chờ điều trị, tháng 1/2013. (Ảnh: vnexpress.net)
Theo thông tin trên báo Lao Động, thủ thuật bắt tay làm giá này được nhóm nghiên cứu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chỉ ra như sau:
Một doanh nghiệp A không có chức năng nhập khẩu thuốc chữa bệnh trực tiếp vào Việt Nam, nên phải nhập khẩu uỷ thác thông qua một doanh nghiệp B.
Sau khi lô hàng được nhập về, A lại hợp tác với C để “cắt lô” hàng, bằng cách C sẽ mua lại 50% hay 80% tuỳ khả năng trong khi toàn bộ lô hàng vẫn được lưu kho tại B theo quy định.
Số hàng còn lại sau khi “cắt lô” sẽ được một đơn vị phân phối cho A bán ra thị trường với giá bình thường. Khi hàng trên thị trường gần hết sẽ tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo. Sau đó, A sẽ báo cho C đưa nốt số hàng đã mua ra thị trường với giá cao hơn. Đó là hành vi “bắt tay” đầu cơ để nâng giá.
Còn về việc độc quyền visa, theo thông tin từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, theo quy định, muốn lưu hành thuốc tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục đăng ký thuốc (cấp số visa) với Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Việc đăng ký này là rất cần thiết để kiểm soát chất lượng dược phẩm. Thế nhưng, cũng theo quy định, một công ty muốn nhập khẩu thuốc vào Việt Nam để phân phối thì phải được sự đồng ý của đơn vị nắm quyền sở hữu số visa (đối với loại thuốc đã đăng ký).
Khoảng hở này làm hình thành nên những “đường dây” phân phối độc quyền. Các tập đoàn nước ngoài và các công ty phân phối có thể khống chế khiến các công ty khác không thể chen chân vào chuỗi phân phối. “Công ty nào sở hữu được số đăng ký rồi thì họ muốn cho phép ai thì cho phép, không cho phép thì đành chịu, chẳng làm gì được cả. Ví dụ, công ty A là “người nhà” phân phối của họ thì họ gật đầu. Còn người ngoài thì đừng hòng!”, một chuyên gia giải thích.
Những thủ thuật lũng đoạn thị trường này, cùng với tệ ăn chia hoa hồng từ bác sĩ kê toa đến hội đồng đấu thầu tại bệnh viện, khiến bàn tay độc quyền giá thuốc vươn xa từ các tập đoàn nước ngoài đến tận các bệnh viện, với hằng sa số tầng nấc trung gian mà bà Phạm Khánh Phong Lan đã phải kêu lên ở trên.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao ngành dược Việt Nam lại bị ‘lấn lướt’ bởi hàng ngoại nhập?
Đón đọc Phần 4: Một ngành dược “ốm yếu”

Post a Comment

Previous Post Next Post