Khi các tinh thể nano phát triển bởi nhóm nghiên cứu từ Đại học Washington được làm lạnh bằng tia laser, chúng đã phát ra một ‘ánh sáng’ màu xanh đỏ có thể nhìn được bằng mắt thường. (Ảnh: Dennis Wise/University of Washington)
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1967, tia laser đã được biết đến với công dụng sinh nhiệt. Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học từ trường Đại học Washington (Hoa Kỳ) đã lần đầu tiên phát hiện ra cách thức dùng tia laser để làm lạnh nước và các loại chất lỏng khác trong điều kiện môi trường thực.
Thật vậy, trong nghiên cứu được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, nhóm nghiên cứu này đã thành công trong việc sử dụng bức xạ laser hồng ngoại để kéo nhiệt độ của nước xuống dưới mức 36 độ F (tương đương khoảng 2 độ C), tạo nên một bước đột phá trong lĩnh vực.
Peter Pauzauskie – phó giáo sư ngành khoa học vật liệu và kỹ thuật, tác giả chính của nghiên cứu, nói: “Thông thường, khi bạn đi xem phim và nhìn thấy các súng bắn tia laser trong phim Star Wars, chúng có công dụng hâm nóng các thứ.
Đây là ví dụ đầu tiên của việc sử dụng một chùm tia laser để làm lạnh các loại chất lỏng như nước trong điều kiện bình thường.
“Thông thường nước sẽ trở nên ấm lên khi được chiếu sáng, nên trước đây chúng tôi thực sự không biết có làm lạnh được hay không”.