Làm sao để Tết này chúng ta không vung tay quá trán trong chi tiêu? Hy vọng những chia sẻ dưới đây sẽ giúp ích được gia đình bạn.
Chỉ còn 2 tuần nữa là chúng ta sẽ cùng bước sang năm mới, cùng nhau đón Tết dương lịch 2016. Vậy là một năm sắp trôi qua, một năm với những niềm vui và nỗi buồn, với những thành công và thất bại. Hướng tới năm 2016, hầu như tất cả chúng ta đều có mong muốn rằng năm 2016 sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho chúng ta, mỗi gia đình chúng ta chắc đều lên kế hoạch mua đồ đón năm mới, bao gồm đồ dùng trong gia đình, đồ thực phẩm hay quần áo mới. Chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc một số điểm hữu ích cho bạn về việc chi tiêu nhân dịp đón năm mới, hy vọng sẽ giúp bạn không bị bội chi ngân sách gia đình đến mức sau đó bạn phải tự hỏi “không biết tiền đi đâu mà nhanh thế”:
1. Dự kiến số tiền chi tiêu cho dịp chào đón năm mới
Gia đình bạn nên thống nhất dành riêng một khoản kinh phí nhất định để chi tiêu cho dịp Tết tùy theo thu nhập của gia đình bạn, dành cho việc mua sắm các khoản mục như đồ gia dụng mới, bộ bàn ghế mới, bộ rèm cửa mới, bức tranh treo tường mới hay giá đựng bình hoa mới… Chỉ một số thay đổi nhỏ thôi cũng có thể đem lại vẻ khác lạ cho ngôi nhà vốn đã quen thuộc với bạn trong cả năm 2015.
Nếu nhà bạn muốn đi du lịch trong dịp nghỉ năm mới này, hãy dự trù chi phí cho chuyến đi du lịch, bạn có thể tham khảo giá và chương trình tour của một số công ty khác nhau sao cho có thể lựa chọn chuyến đi cho phù hợp nhất với gia đình bạn.
Cuối cùng là bạn nên đưa ra dự toán chi tiêu ăn uống, số tiền này cũng nên ở mức vừa phải thôi. Thông thường bạn hay có suy nghĩ sẽ muốn mua đồ thực phẩm thật nhiều, để sẵn mọi thứ trong nhà khi người thân hay bạn bè đến chơi, nhưng có lẽ bạn nên nhớ lại có phải năm ngoái sau kỳ nghỉ Tết nhà bạn vẫn còn rất nhiều đồ ăn và có rất nhiều bữa bạn lại phải ăn cố không? Hẳn không phải vô cớ mà các bác sỹ khuyên chúng ta chỉ ăn vừa đủ, đồ ăn chỉ nên chiếm 80% dạ dày, không nên ăn no quá.
Cộng cả ba loại chi phí dự kiến này, bạn sẽ thấy số tiền bạn định chi tiêu cho dịp Tết sẽ không phải là con số nhỏ như bạn đã từng nghĩ đâu.
2. Lập danh sách mặt hàng cần mua
Bạn hãy suy nghĩ về những vật dụng, đồ dùng hay loại thực phẩm bạn cần mua. Bạn có thể phân loại thành 2 nhóm, một nhóm là những mặt hàng nên mua ngay và một nhóm là những mặt hàng có thể mua muộn hơn cũng được. Bạn nên viết ra chi tiết danh mục các mặt hàng tuy rằng việc này khiến bạn hơi tốn thời gian một chút nhưng thực sự nó sẽ giúp bạn biết bạn phải mua gì, khi nào, ở đâu và tránh được tình trạng lãng phí tiền bạc và cả thời gian dành cho mua sắm. Nếu bạn không ghi ra, trong đầu bạn cứ phải nhớ mua cái này, mua cái khác, tuy nhiên khi đến siêu thị thì khéo lại bạn quên mất vài món, và thế là lại phải đi mua thêm một lần nữa hay vài lần nữa.
Đồng thời khi lên danh sách những món hàng cần mua này và khi bạn đã tiến hành mua chúng, bạn sẽ thấy là số tiền bạn đã chi tiêu là con số đáng kể và thế là điều này cũng giúp bạn không mua một số món hàng khác theo cảm hứng chứ không phải là theo mức độ cần thiết và hữu ích.