Cần mạnh dạn tìm mô hình tăng trưởng mới

Cũng như nông nghiệp đã không còn lợi thế của kinh tế hộ cá thể, nền kinh tế Việt Nam cũng đã hết lợi thế của kinh tế cá thể, đã đến lúc cần phải tìm mô hình tăng trưởng mới. (Ảnh: ncseif.gov.vn)
Cũng như nông nghiệp đã không còn lợi thế của kinh tế hộ cá thể, nền kinh tế Việt Nam cũng đã hết lợi thế của kinh tế cá thể, đã đến lúc cần phải tìm mô hình tăng trưởng mới. (Ảnh: ncseif.gov.vn)
Cũng như nông nghiệp đã không còn lợi thế của kinh tế hộ cá thể, nền kinh tế Việt Nam cũng đã hết lợi thế của kinh tế cá thể, đã đến lúc cần phải tìm mô hình tăng trưởng mới. Nếu không, mô hình hiện tại đang cản bước tiến của nền kinh tế, làm cho tốc độ tăng trưởng chựng lại, thậm chí thụt lùi hơn so với giai đoạn trước đây,  theo tin từ Thời báo Ngân hàng.
Bàn về kế hoạch tăng trưởng năm 2016, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vẫn thấp hơn 0,5 điểm % so với tiềm năng. Tuy nhiên, ông Sinh nhận định mục tiêu này là vừa sức. Lý do là, mô hình tăng trưởng hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển giai đoạn mới, vẫn chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh kém, hội nhập chưa thật bền vững.
Mô hình tăng trưởng hiện tại đã tới giới hạn biên
Tại hội thảo khoa học quốc tế “Dự báo kinh tế – xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, được tổ chức ngày 2/12, việc mô hình tăng trưởng đã tới hạn một lần nữa lại được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ.
Theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia – NCEIF) đã có nhiều biểu hiện cho thấy mô hình hiện tại đang cản bước tiến của nền kinh tế, đồng thời cũng khiến sức bật có phần thụt lùi hơn so với giai đoạn trước đây.
Thực tế giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng so với tiềm năng vẫn tương đối thấp, so với giai đoạn 2006-2010 thì tốc độ tăng trưởng đã thấp hơn khá nhiều. Ngoài nguyên nhân từ yếu tố bên ngoài thì quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng chưa có chuyển biến rõ nét về chất.
Về đầu tư, một trong những trụ cột cần tái cơ cấu, do chậm thay đổi lợi thế cạnh tranh nên mặc dù cơ cấu đầu tư có sự chuyển biến tích cực, song xét cả quá trình tái cơ cấu đầu tư lại chưa có được kết quả như mong đợi. Nền kinh tế kỳ vọng huy động được nhiều hơn vốn tư nhân vào phát triển, nhưng giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng vốn khu vực nhà nước vẫn tương đối lớn, trung bình trên 39%, cao hơn cả giai đoạn 2006-2010.
Xét về hiệu quả đầu tư, giai đoạn 2011-2013 hệ số ICOR của Việt Nam hầu như không được cải thiện, cho thấy hiệu quả đầu tư có phần giảm sút. Hệ số ICOR trung bình giai đoạn 2001-2005 đạt 4,33, giai đoạn 2006-2010 tăng lên 8,31 và giai đoạn 2011-2015 tiếp tục tăng lên 9,2.
Nguyên nhân làm cho ICOR của Việt Nam cao một phần là do Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung đầu tư cho hạ tầng cơ sở, bao gồm cả hạ tầng cơ sở ở vùng sâu, vùng xa và đầu tư cho xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội (mặc dù tỷ trọng đầu tư phần này tương đối thấp, ví dụ như vốn đầu tư xóa đói giảm nghèo thấp hơn nhiều so với vốn xây dựng trụ sở hành chính hoành tráng).  So với các quốc gia khác đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng như Việt Nam thì hệ số ICOR của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức cao, đây là một điều đáng báo động.
Một điểm nữa, cán cân thương mại luôn nhập siêu, dù nhập siêu có một giai đoạn giảm mạnh nhưng chủ yếu do sự suy giảm của sản xuất trong nước, đến hiện tại, nhập siêu 11 tháng 2015 của khu vực kinh tế trong nước đã hơn 14 tỷ USD, chiếm hơn 8% GDP. Một trong các nguyên nhân là sự phụ thuộc của thị trường Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng lớn. Giai đoạn 2006-2010 thâm hụt thương mại của Việt Nam chủ yếu là với Trung Quốc. Thặng dư với các đối tác khác chủ yếu để “tài trợ” cho nhập khẩu với Trung Quốc.
Tính chất tài trợ này, chúng tôi cho rằng sẽ ngày càng tăng, đặc biệt khi Trung Quốc chuyển đổi mô hình, tăng trưởng chậm lại, rủi ro tăng nhập siêu từ Trung Quốc có thể tăng lên trong thời gian tới,” TS. Đặng Đức Anh lo ngại.

Lợi thế  đang dần trôi đi
Thực trạng sản xuất trong nước còn nhiều yếu khó khăn như vậy, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục trong giai đoạn 2016-2020 nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ: giá hàng hoá thấp, lực đẩy từ các DN FDI đang tăng khi dòng vốn đang rút khỏi Trung quốc, tăng vào Việt nam, và nhu cầu bên ngoài. Song theo các chuyên gia, về cơ bản trong ngắn hạn nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục chuyển đổi, do đó tăng trưởng vẫn sẽ dựa vào vốn và là nền kinh tế nhập siêu.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đã đến lúc xem xét lại đóng góp cũng như lợi thế của các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để thiết kế mô hình tăng trưởng phù hợp. TS. Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa, Khoa Kinh tế phát triển, (Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề, liệu trong trung hạn có nên tiếp tục dồn lực cho ngành công nghiệp, tập trung đổi mới công nghệ để góp phần vào tăng trưởng?
Ông Việt cho rằng rào cản của ngành này là rất lớn trong hội nhập do tính chuyên môn hoá. DN Việt Nam muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là khó, do bị kiểm soát bởi các tập đoàn đa quốc gia. Họ chỉ đẩy các hoạt động chuyên môn thấp cho các nước đang phát triển, do đó DN sẽ mãi quẩn quanh ở các phân khúc thấp, tập trung vào gia công chế biến. Cho đến giờ Việt nam vẫn chưa sản xuất được con ốc vít đạt tiêu chuẩn thì làm sao tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trong khi đó, nền kinh tế đang chuyển sang nước thu nhập trung bình, nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ ngày càng tăng. Theo ông Việt, cần cân nhắc đến việc thay đổi định hướng xuất khẩu, quan tâm hơn tới thị trường nội địa.
Một yếu tố khác hỗ trợ cho nhận định này là nhân lực trong các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế… hiện có trình độ qua đào tạo cao hơn trong ngành công nghiệp – xây dựng. Tuy nhiên, thực tế là năng suất lao động của ngành này thời gian qua lại không cao bằng công nghiệp.
Ông Việt lý giải, điều này có thể là do chúng ta mở cửa cho thị trường dịch vụ chưa được bằng như ngành công nghiệp. Một số dịch vụ cơ bản vẫn bị điều tiết quá nhiều của nhà nước, dẫn tới hạn chế trong thể chế, môi trường kinh doanh chưa thông thoáng và thuận lợi. Do đó, mặc dù nhân lực trình độ cao hơn song đóng góp của ngành này lại thấp hơn. Cũng vì thế mà chúng ta đang đánh giá về ngành dịch vụ thấp hơn so với tiềm năng.

Post a Comment

Previous Post Next Post