Cô Anastasia Lin (26 tuổi), là Hoa hậu Thế giới Canada năm 2015. Cô cũng là người được chọn đại diện cho Canada tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới sẽ được tổ chức tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vì cô thường hay lên tiếng cho Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cổ truyền có xuất xứ từ Trung Quốc và vạch trần tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công để hưởng lợi trên số tiền khổng lồ này, nên cô đã bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh. Sự kiện này đã trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Tại xứ sở kim chi Hàn Quốc, các báo lớn cũng tranh luận sôi nổi về vụ việc này.
Nhật báo Hàn Quốc: Pháp Luân Công giúp hệ thống giá trị nhân loại có thể một chuẩn mực mới
Vào ngày 27 vừa qua, Nhật báo Hàn Quốc có bài “Pháp Luân Công là gì mà kết oán với ĐCSTQ?”, bài báo đã bàn sâu về Pháp Luân Công như sau:
Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một môn khí công, lấy đặc tính “Chân – Thiện – Nhẫn” làm tiêu chuẩn, kết hợp cả tư tưởng của Phật gia và Đạo gia, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân, vừa tu tâm tính vừa cải thiện sức khỏe bản thân.
Pháp Luân Công được ông Lý Hồng Chí truyền ra công chúng vào năm 1992 tại Trường Xuân, hiện đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc và hơn 60 quốc gia và khu vực khác.
Tu luyện Pháp Luân Công chủ yếu thực hiện hai phần quan trọng là học Pháp và luyện công. Nội dung trọng tâm của Pháp Luân Công là “Chân – Thiên – Nhẫn”, người tu luyện ứng dụng 3 đặc tính này vào thực tiễn cuộc sống để loại bỏ đi các dục vọng và tâm chấp trước, từ đó nâng cao chuẩn mực tâm tính và đạo đức. Ngoài ra, người tu luyện Pháp Luân Công còn luyện tập 5 bài công pháp, không có tác dụng phụ nào mà chỉ giúp thân thể khỏe mạnh. Năm 1998, Tổng Cục Thể thao Trung Quốc đã thực hiện kiểm tra sức khỏe với 12.731 người tu luyện Pháp Luân Công ở Bắc Kinh, kết quả cho thấy 99,1% số người sau khi tu luyện đã có sức khỏe tốt hơn và không bị bệnh tật gì.
Nội dung sách Pháp của Pháp Luân Công bao hàm nhiều tư tưởng trong Phật gia và Đạo gia nên nhiều người cảm thấy giống như tôn giáo. Nhưng ông Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công cho rằng đây không phải là một tôn giáo. Tôn giáo cần có đối tượng tôn sùng là một vị giáo chủ, và có các nghi thức tôn giáo cùng nơi để lễ bái, có tổ chức tín đồ và quyên góp tiền bạc. Nhưng Pháp Luân Công không tồn tại bất cứ hình thức nào kể trên.
Việc đoàn thể tín ngưỡng Pháp Luân Công bị ĐCSTQ đàn áp có nguyên nhân vì số người tu luyện quá đông, tại Trung Quốc là khoảng 80 triệu người. Trên thế giới có đến hơn 100 triệu người theo tập.
Nhật báo Hàn Quốc cũng đề cập đến việc trước khi Pháp Luân Công bị đàn áp, mỗi buổi sáng ở Trung Quốc có rất nhiều người tập Pháp Luân Công. Chính phủ Trung Quốc cũng nhiều lần khen ngợi ông Lý Hồng Chí có cống hiến to lớn giúp nâng cao thể trạng quốc dân.
Nhưng khi số người tu luyện Pháp Luân Công vượt xa khỏi số Đảng viên ĐCSTQ lúc bấy giờ thì ĐCSTQ đột nhiên thay đổi thái độ. Năm 1999, Chủ tịch nước lúc đó là ông Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp quy mô lớn đối với những người tu luyện Pháp Luân Công. Nguyên nhân vì ông lo lắng sự phát triển của Pháp Luân Công có thể ảnh hưởng đến thể chế của ĐCSTQ.
Bài báo cũng đề cập đến con số học viên Pháp Luân Công bị giết hại là 800 người (nhưng thực tế vượt xa con số này). Vì người tu luyện Pháp Luân Công không ngừng nói sự thật cuộc đàn áp này với người dân trên toàn thế giới, nên Pháp Luân Công trở thành biểu tượng cho vấn đề về nhân quyền, người tu luyện Pháp Luân Công được xem như là những “vị thần bảo vệ nhân quyền”.
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Toàn Minh Chu (Quan Ming-soo) thuộc Viện Nghiên cứu Quốc học Hàn Quốc, Đại học Cao Ly, cho biết: “Việc cả thế giới chú ý đến Pháp Luân Công đã có tác động to lớn trong xã hội, giúp nhiều người nhận thức được các vấn đề về nhân quyền và đạo đức. Từ đó dẫn đến hình thành một không gian thảo luận sôi nổi công cộng.”
Pháp Luân Công không có tổ chức chuyên biệt, họ có thể tồn tại được dưới tình cảnh bức hại tàn bạo chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc là nhờ sự kết nối thông qua mạng internet giữa những người tu luyện trong và ngoài nước với nhau.
Người tu luyện Pháp Luân Công hy vọng thông qua việc thực hành ‘Chân – Thiện – Nhẫn” để đề cao đạo đức bản thân và cũng khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Bài báo cũng nói lên hy vọng những người tu luyện Pháp Luân Công sẽ đóng góp cho sự tiến bộ của loài người một chuẩn mực mới.
Thông tấn xã Yonhap: ĐCSTQ đàn áp nhân quyền?
Thông tấn xã Yonhap hàng đầu của Hàn Quốc có bài “Hoa hậu Thế giới Canada gốc Hoa bị cấm lên máy bay, ĐCSTQ đang áp bức nhân quyền?” Bài viết tường thuật lại tình hình bức hại Pháp Luân Công cùng hiện trạng vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc:
Người tham gia thi Hoa hậu Thế giới vì lên án tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc đã bị cấm không cho nhập cảnh. Chỉ trong nửa cuối năm nay đã có hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bị bắt, tình trạng đàn áp nhân quyền không ngừng diễn ra.
Cô Anastasia Lin đã bị ngăn cản không cho lên máy bay đến tỉnh Hải Nam để tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới lần thứ 65. Cô Lin là một học viên Pháp Luân Công, di dân đến Canada khi cô mới 10 tuổi, là Hoa hậu Thế giới Canada năm 2015 và hiện là một diễn viên. Tháng 5 vừa qua cô được chọn làm người đại diện cho Canada tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới, nhưng cuối cùng lại bị phía Trung Quốc không cho nhập cảnh.
Pháp Luân Công bị ĐCSTQ xem là một tôn giáo phi pháp. Vào tháng 7 vừa qua, cô Anastasia Lin có bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, lên án tình trạng đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ đồng thời thể hiện mong muốn có thể giúp đỡ những người bị đàn áp tín ngưỡng tại Trung Quốc Đại Lục.
Cô chia sẻ với phóng viên: “ĐCSTQ muốn chứng tỏ rằng, hễ ai dám lên án họ, họ sẽ cấm nhập cảnh giống như tôi đây, để sau này mọi người phải câm lặng trước những bất công do họ gây ra. Tôi mong rằng ĐCSTQ phải chấm dứt ngay thái độ này.”
ĐCSTQ luôn không thể chấp nhận lời chỉ trích phê bình của người khác. Ngày 13/11 vừa qua, Đảng đã ra lệnh cấm 17 luật sư nhân quyền ra nước ngoài. Trước đó vào tháng 7, chính quyền ĐCSTQ đã bắt hơn 300 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có vợ chồng luật sư Vương Vũ nổi tiếng.
Về việc của cô Anastasia Lin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cũng cho rằng Trung Quốc cấm những “nhân vật không được hoan ngênh” nhập cảnh vào nước họ. Chính quyền ĐCSTQ tiếp tục giữ im lặng về các cáo buộc nhân quyền trong thời gian gần đây.
Nhật báo Triều Tiên: Vì sao lại bị từ chối vì lên tiếng cho tín ngưỡng và nhân quyền?
Nhật báo Triều Tiên đã đăng lời chia sẻ của cô Anastasia Lin: “Đây chắc chắn không phải là vấn đề sai sót nghiệp vụ đơn thuần, mục đích chính của họ là muốn tôi phải giữ im lặng về tình trạng nhân quyền”. Lời của cô Anastasia Lin đã chỉ rõ, “ĐCSTQ ngăn cấm cô vì lý do tín ngưỡng, vì vấn đề nhân quyền”.
Nhật báo Trung ương: ĐCSTQ áp dụng thủ đoạn chính trị vô lối, bất cần nhân quyền
Nhật báo Trung ương, một trong những tờ báo quan trọng khác của xứ Hàn chỉ trong nửa tiếng sau sự kiện đã liên tục đăng hai bài: “Hoa hậu Canada vì lên án ĐCSTQ nên không được tham dự tranh giải cuộc thi Hoa hậu Thế giới“.
Bài báo nhắc đến chia sẻ của cô Anastasia Lin về việc nhận được điện thoại của quan chức ĐCSTQ nói rằng “cho dù có đến được đảo Hải Nam cũng không lấy được thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc”.
Nhật báo Đông Á: Tại sao ĐCSTQ cấm thí sinh tham gia thi Hoa hậu Thế giới?
Trong bài báo “Nguyên nhân vì sao Hoa hậu Thế giới Canada bị ĐCSTQ cấm không cho nhập cảnh?”, Nhật báo Đông Á đã cảm thấy khó hiểu trước thái độ này của ĐCSTQ.
Bài báo chỉ ra rằng cô Anastasia Lin đã làm chứng cho việc ĐCSTQ đàn áp nhân quyền và giết hại hàng ngàn học viên Pháp Luân Công, mổ cướp nội tạng của họ để kiếm lợi nhuận tại Quốc hội Mỹ. Hiện cô đang chuẩn bị tham gia trong bộ phim điện ảnh “The Bleeding Edge” tại Canada và vào vai một học viên Pháp Luân Công bị đàn áp, bỏ tù.
Các đài truyền hình lớn của Hàn Quốc KBS, MBC, SBS đăng tin về sự kiện cô Anastasia Lin
KBS là Đài Truyền hình Quốc gia Hàn Quốc, là tiếng nói về chính trị đại diện tiêu biểu của Hàn Quốc. KBS cũng lên tiếng phê phán hành động bất chấp nhân quyền của ĐCSTQ với bài “Hoa hậu Thế giới Canada vì lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc đã bị cấm nhập cảnh”.
Hãng truyền hình lớn MBC cũng có bài “Những tranh luận qua sự kiện Hoa hậu Thế giới Canada vì lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc đã bị cấm nhập cảnh”. MBC đã dẫn lại phát biểu của cô Anastasia Lin: “Hành động này đồng nghĩa với việc họ sẽ thẩm tra chính trị với những vận động viên tham gia Á vận hội Mùa Đông 2022?”
Đài truyền hình SBS đưa tin những lời bình luận của các nhà đấu tranh cho nhân quyền phát biểu về việc ĐCSTQ dùng hình thức thẩm định chính trị đã làm hỏng ý nghĩa cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Chính quyền Canada nên bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân nước mình khi họ dám lên tiếng vì vấn đề nhân quyền của một quốc gia khác.
Ngoài những kênh thông tin lớn kể trên, rất nhiều hãng truyền thông khác như Nhật báo Hàn Quốc, Nhật báo Thế giới, Kinh tế Đông Á, Kinh tế Hàng ngày, Star Today, Herald Business, Korea Daily, World Today… đều đăng tin chỉ trích thái độ coi thường nhân quyền của ĐCSTQ và ủng hộ tiếng nói của Hoa hậu Thế giới Canada Anastasia Lin.