Kỷ luật nguyên Phó viện trưởng VKSND vì phê chuẩn bắt người trái phép

Bà Búp bị suy kiệt sức khỏe khi được tại ngoại vào chiều ngày 18/3/2015. (Ảnh: phapluattp.vn)
Bà Búp bị suy kiệt sức khỏe khi được tại ngoại vào chiều ngày 18/3/2015. (Ảnh: phapluattp.vn)
Ngày 29/11, VKSND tỉnh Bình Phước cho biết, ông Lê Đức Xuân – Viện trưởng, vừa ký quyết định kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Hà Văn Hiến – Phó trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND tỉnh, nguyên Phó viện trưởng VKSND huyện Bù Gia Mập vì đã phê chuẩn bắt người trái phép trong một vụ án trước đây, theo báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Việc xử lý kỷ luật này liên quan tới vụ án xảy ra vào tại huyện Bù Gia Mập vào đầu năm 2015. Khi đó, ông Hiến là Phó viện trưởng VKSND huyện Bù Gia Mập. Trong quá trình thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án bà Trần Thị Búp (51 tuổi, làm nghề buôn bán, ngụ xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập), ông Hiến đã thực hiện trái quy trình, vi phạm quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát dẫn tới việc bắt giam oan sai đối với bà Búp.
Là quan hệ pháp luật dân sự, nhưng lại bị bắt khẩn cấp, khởi tố bị can
Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, theo hồ sơ vụ án, vào tháng 8/2014, bà Búp làm ăn với bà B (ngụ thị xã Phước Long, Bình Phước). Trong quá trình kinh doanh, bà B mượn của bà Búp hơn 4 tỷ đồng. Sau nhiều lần trả, đến ngày 30/1/2015, bà B còn nợ bà Búp 585 triệu đồng. Ngoài ra, vào cuối tháng 10/2014, bà Búp giao cho bà B 500 triệu đồng tiền đặt cọc để mua hạt điều. Như vậy, tính đến cuối tháng 1/2015, tổng số tiền mà bà B nợ bà Búp là 1 tỉ 85 triệu đồng.
Đến ngày 1/2/2015, bà Búp mua của bà B hai container hạt điều trị giá hơn 1,6 tỷ đồng. Sau khi nhận hạt điều, bà Búp thanh toán và còn nợ lại bà B 886 triệu đồng. Lấy lý do bà B còn nợ mình 1 tỉ 85 triệu, bà Búp cấn tiền để trừ bớt nợ. Sau đó, bà B và bà Búp đã nhiều lần gặp gỡ để thống nhất nợ nần nhưng hai bên không thỏa thuận được.
Ngày 12/2/2015 (ngày 24 Tết), cơ quan điều tra công an huyện Bù Gia Mập đã bắt khẩn cấp bà Búp về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngay sau đó, VKS huyện Bù Gia Mập ký phê chuẩn lệnh bắt này. Bà Búp sau đó bị cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Bù Gia Mập ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam. VKSND huyện cũng ra quyết định phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam trên đối với bà.

Nhiều tình tiết bất thường
Sau khi bà Búp bị bắt tạm giam, ông Vũ Xuân Dần (là con rể bà Búp, ngụ xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập) đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra tỉnh Bình Phước về việc bà Búp bị bắt giam vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo ông Dần, cơ quan điều tra có nhiều bất thường trong việc bắt giam bà Búp và sốt sắng đòi nợ cho bên bị hại, theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Ông Dần kể lại: “Sau khi bà Búp bị tạm giam, gia đình lên công an huyện xin gặp thì một lãnh đạo công an huyện cho vào gặp. Vị lãnh đạo này yêu cầu mẹ tôi phải nói người nhà trả nợ thay thì mới cho nói chuyện. Tuy nhiên, khi gặp mặt, mẹ tôi nói là bị bắt oan và không thể trả nợ cho bà B, thì vị lãnh đạo công an huyện mời cả nhà ra ngoài, không cho nói chuyện. Điều này có phải là để gây áp lực với mẹ tôi và gia đình?”
Ông Dần cũng cho biết thêm, trong thời gian bà Búp bị tạm giam, điều tra viên tên T (người thụ lý điều tra vụ án) nhiều lần điện thoại yêu cầu gia đình mang tiền lên trả nợ. Trong băng ghi âm, điều tra viên T yêu cầu người nhà mang tiền lên và gặp chính điều tra viên này chứ không được giao cho người khác, đồng thời gợi ý việc “lo cho bà ấy ra ngoài ăn tết” và khẳng định: “Hồ sơ anh làm thì anh đề xuất, anh quyết định…”
Theo quy định, công an được quyền chứng kiến việc thỏa thuận dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong vụ này, điều tra viên quá sốt sắng, gợi ý những điều bất thường nên ông Dần bức xúc: “Đây chỉ là việc tranh chấp dân sự giữa hai bên nhưng công an bắt giam mẹ tôi. Khi bị tạm giam thì lãnh đạo, điều tra viên sốt sắng yêu cầu mẹ tôi trả nợ, gợi ý việc “lo tại ngoại” cho mẹ tôi là quá bất thường. Vì vậy, tôi tố cáo đến các cơ quan chức năng.”
Cơ quan tố tụng của Bình Phước chính thức thừa nhận việc bắt người là sai
Theo quyết định phê chuẩn của VKSND huyện Bù Gia Mập, căn cứ để bắt khẩn cấp bà Búp là theo điểm b, khoản 1, điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Bình Phước và PC44 công an tỉnh Bình Phước sau đó đã tiến hành thẩm định lại căn cứ pháp lý của quyết định bắt khẩn cấp này.
Trao đổi trên báo Tuổi Trẻ, Luật sư Nguyễn Thế Tân – Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh, cho biết, điểm b, khoản 1, điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: trường hợp được bắt khẩn cấp khi “người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn”.
Xét vào trường hợp bị bắt khẩn cấp của bà Trần Thị Búp, thì tại thời điểm làm việc với cơ quan điều tra Bù Gia Mập, bà Búp có hộ khẩu thường trú tại Bù Gia Mập và vẫn làm ăn, giao dịch bình thường, không có lý do gì để bỏ trốn. Vợ chồng bà Búp có nhà cửa và xưởng chế biến hạt điều vẫn đang hoạt động.
Theo Luật sư Tân, việc cơ quan điều tra huyện Bù Gia Mập vận dụng điều khoản trên để bắt khẩn cấp bà Búp và VKSND huyện Bù Gia Mập phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp này là chưa thuyết phục.
Tới ngày 18/3 (sau khi bị bắt tạm giam hơn một tháng), bà Búp được tại ngoại và tiếp tục kêu oan.
Sau hơn nửa năm xảy ra sự việc “bắt khẩn cấp” bà Búp, ngày 17/10, cơ quan tố tụng của Bình Phước chính thức thừa nhận việc bắt người này là sai. Sau khi điều tra nhận thấy “hành vi của bà Trần Thị Búp không cấu thành tội phạm”, cơ quan công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với bà.
Lãnh đạo VKSND tỉnh Bình Phước cho biết, theo luật, VKSND huyện Bù Gia Mập là cơ quan phải xin lỗi và bồi thường cho bà Búp, đồng thời xử lý các cá nhân liên quan. Trong đó, ông Hà Văn Hiến – nguyên Phó viện trưởng VKSND huyện Bù Gia Mập bị kỷ luật hình thức khiển trách.
Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hùng (người ký quyết định bắt khẩn cấp) bị thôi giữ nhiệm vụ Phó Trưởng công an huyện Bù Gia Mập, điều chuyển làm Phó Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp công an tỉnh Bình Phước.
Trên báo Pháp Luật TP.HCM, một cá nhân khác bị kỷ luật có liên quan tới vụ án này là ông Ngô Văn Phương – kiểm sát viên VKSND huyện Phú Riềng (nguyên là kiểm sát viên VKSND huyện Bù Gia Mập) do ông Phương là người trực tiếp được phân công trực tiếp kiểm sát vụ án bà Búp đã dẫn đến oan sai.


Post a Comment

Previous Post Next Post