Đắk Nông: Phá bỏ 1.700 cây sò đo cam trong đô thị

pha bo cay so do cam
Phương tiện cơ giới được sử dụng để phá bỏ cây sò đo cam. (Ảnh: danviet.vn)

Nằm trong danh mục các loại cây ngoại lai gây tai hại tại Việt Nam, mới đây, gần 1.700 cây sò đo cam được trồng tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) bị chặt bỏ, thay thế bằng cây sim rừng và lim xẹt.
Từ sau Tết Dương lịch đến nay, chính quyền thị xã Gia Nghĩa đã cho phá bỏ gần 1.700 cây sò đo cam trồng dọc theo dải phân cách trên QL14, đoạn mở rộng qua thị xã Gia Nghĩa, báo Dân Việt đưa tin.
Theo phòng Quản lý đô thị – UBND thị xã Gia Nghĩa, cây sò đo cam được trồng tại đây vào năm 2010, sau khi đoạn đường này hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng.
Được biết, bên cạnh gần 1.700 cây trồng trên QL14 đoạn qua thị xã Gia Nghĩa, cây sò đo cam còn được trồng rải rác ở một số nơi khác ở thị xã Gia Nghĩa và trung tâm một số huyện như Đăk Song, Tuy Đức,… Trong đó, kinh phí cho việc trồng gần 1.700 cây sò đo cam trên QL14 là gần 2 tỷ đồng.
pha bo cay so do cam duoc trong tai thi xa Gia Nghia
Cây sò đo cam được trồng tại thị xã Gia Nghĩa. (Ảnh: nld.com.vn)
so do cam
Gần 1.700 cây sò đo cam dọc tuyến Quốc lộ 14 bắt đầu từ xã Quảng Thành đến xã Đắk R’tít – (Ảnh: baokaknong.org.vn)
Tháng 7/2011, Bộ Tài Nguyên & Môi Trường có thông tư xác định sò đo cam là một trong 100 loại cây ngoại lai gây tai hại tại Việt Nam. Sau đó, năm 2013, Liên bộ Tài Nguyên & Môi Trường – Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục xác định loại cây này nằm trong danh mục cây ngoại lai gây tai hại tại Việt Nam.

Tới tháng 1/2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn yêu cầu ngừng việc trồng cây sò đo cam, ngừng việc nhân giống, kinh doanh, đồng thời quản lý chặt số lượng gần 1.800 cây đã trồng (tại QL14 và một số nơi khác trong tỉnh). Tuy nhiên, cây sò đo cam vẫn tồn tại đến hết năm 2015.
pha bo cay so do cam
Thị xã Gia Nghĩa chi gần 2 tỷ đồng trồng cây. (Ảnh: danviet.vn)
Theo ông Lê Văn Bi – Phó phòng Quản lý đô thị UBND thị xã Gia Nghĩa, việc phá bỏ cây sò đo cam bị chậm là do đơn vị này phải tiến hành nhiều thủ tục với nhiều đơn vị liên quan và một phần do thiếu chi phí cho việc chặt bỏ cây sò đo cam và trồng cây mới.
pha bo cay so do cam trong do thi dak nong
Cây sò đo cam tại dải phân cách bị chặt hạ. (Ảnh: danviet.vn)
Tại Gia Lai, loài cây này cũng được trồng trong đô thị gần 10 năm qua.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thương (ngụ phường Yên Đỗ, TP Pleiku) cho biết trên báo Người Lao Động, chị đã từng bị hoa của cây sò đo cam dính vào người gây ngứa khó chịu, phải bôi thuốc nhiều ngày mới khỏi. Chị kể: “Hôm đó, tôi đi tập thể dục qua trụ sở HĐND tỉnh, thấy hoa màu cam đẹp nên cầm theo. Mới cầm được một lúc đã cảm giác ngứa nên vứt đi, về tới nhà thì da sưng tấy, phải bôi thuốc mới khỏi.”
Anh Võ Trung Nam (ngụ tại TP Pleiku) cho biết, do không biết loài hoa này có thể gây ngứa nên đã mua về trồng để tạo cảnh quan trong quán cà phê của mình, “lúc mua về trồng, tôi không biết cây này hoa có độc. Đến khi biết thì không nỡ chặt vì hoa to, đẹp, nở quanh năm. Tuy nhiên, khách đến uống cà phê đều được cảnh báo không nên nhặt hoa để chơi vì sẽ gây ngứa”.
Cây sò đo cam (hay còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, tulip châu Phi…) có tên khoa học là Spathodea campanulata.
Tiến sĩ Phạm Trịnh Hùng – Phó trưởng khoa lâm nghiệp ĐH Nông Lâm TP HCM cho biết trên báo Tuổi Trẻ: “Theo các tài liệu khoa học đáng tin cậy thì Spathodea campanulata là cây phát tán hạt qua gió, mọc nhanh, có khả năng loại bỏ các cây khác trong cùng phạm vi phân bố. Từ đó cho thấy cây này sẽ nhanh chóng xâm chiếm các vùng đất hoang hóa, các vùng rừng đã bị tác động dẫn đến việc làm giảm mức độ đa dạng sinh học do sự cạnh tranh tiêu cực của chúng với các loài cây khác.
Trong một hệ sinh thái thì các sinh vật sống có mối quan hệ qua lại theo chuỗi thức ăn, việc mất đi đa dạng thực vật sẽ hình thành hệ quả cho việc mất đi sự đa dạng của các loài động vật, từ đó đưa đến sự biến đổi, suy thoái hệ sinh thái và tất yếu có cội nguồn từ việc mất đa dạng sinh học bản địa”.
Theo kế hoạch, toàn bộ số cây sò đo cam bị chặt sẽ được chính quyền thị xã Gia Nghĩa thay thế bằng hai loại cây là sim rừng và lim xẹt, trồng xen kẽ với nhau.

Post a Comment

Previous Post Next Post