Tham nhũng là căn bệnh trầm trọng của nước nghèo

Tham nhũng có ở khắp nơi trên thế giới nhưng “tại châu Phi, tham nhũng đã lấy đi nhiều tỉ USD kinh tế trong khi số tiền này có thể được dùng để tạo công ăn việc làm, xây bệnh viện và trường học”. (Ảnh: Internet)
Tham nhũng có ở khắp nơi trên thế giới nhưng “tại châu Phi, tham nhũng đã lấy đi nhiều tỉ USD kinh tế trong khi số tiền này có thể được dùng để tạo công ăn việc làm, xây bệnh viện và trường học”. (Ảnh: Internet)

Tham nhũng được ví như một căn bệnh ung thư quái ác chưa có thuốc chữa tại châu Phi, châu lục nghèo đói và chậm phát triển nhất thế giới hiện nay.
Chống tham nhũng hay là “chết”
Kết quả khảo sát vừa được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố cho thấy, Nam Phi là quốc gia châu Phi có tình trạng tham nhũng tồi tệ nhất năm qua. Vị trí tiếp theo thuộc về Ghana và Nigeria. Cuộc khảo sát do TI phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu độc lập Afrobarometer tiến hành điều tra đối với 43.000 người thuộc 28 nước châu Phi trong khoảng thời gian từ tháng 3/2014 đến tháng 9/2015.
Điều phối viên của TI tại châu Phi, bà Tapiwa Uchizi-Nyasulu cho biết, xã hội Nam Phi rất năng động và các phương tiện truyền thông nước này hoàn toàn có khả năng phát hiện, điều tra tham nhũng. Tuy nhiên, TI cảnh báo, tham nhũng ở Nam Phi sẽ còn gia tăng nếu Chính phủ nước này không tích cực trong việc tổ chức các cuộc điều tra.
Theo kết quả khảo sát, cảnh sát là bộ phận xảy ra tình trạng tham nhũng cao nhất, sau đó là chính phủ, khối DN và thuế quan.
53% người dân châu Phi được hỏi cho rằng, tham nhũng đã gia tăng trong 12 tháng qua. Tại 18/28 quốc gia được khảo sát, đa số người dân cho rằng, chính phủ đã làm không tốt trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Trên khắp châu Phi, các nguyên thủ quốc gia đều nói chống tham nhũng hối lộ, nhưng theo kết quả khảo sát, 64% số người được hỏi cho rằng, cuộc đấu tranh chưa thực sự hiệu quả, chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để làm trong sạch khu vực công và tăng cường biện pháp trừng phạt các quan chức tham nhũng.
Mới đây, trong chuyến công du châu Phi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tại trụ sở Liên minh châu Phi (AU) ở Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Ông Obama cũng là Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ phát biểu tại AU.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Barack Obama kêu gọi các nước châu Phi chú trọng thúc đẩy thị trường lao động, tạo thêm cơ hội việc làm cho người trẻ, tránh tình trạng hỗn loạn và mất trật tự xã hội. Ông Obama cũng chỉ ra tham nhũng chính là nguyên nhân khiến nhiều nền kinh tế ở châu Phi gặp khó khăn.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất là việc Tổng thống Mỹ khuyên các nhà lãnh đạo đã tại vị lâu năm ở châu Phi nhường chỗ cho người mới. Tham nhũng có ở khắp nơi trên thế giới nhưng “tại châu Phi, tham nhũng đã lấy đi nhiều tỉ USD kinh tế trong khi số tiền này có thể được dùng để tạo công ăn việc làm, xây bệnh viện và trường học”. Ông xác định: “Chỉ có người châu Phi mới có thể chấm dứt tham nhũng ở nước mình.

Cần nỗ lực hơn từ người dân
Theo kết quả trên, khi được hỏi làm thế nào để chống tham nhũng hiệu quả hơn, thì 28% người dân cho rằng báo cáo sự cố tham nhũng là hành động có hiệu quả nhất, hành động hiệu quả thứ hai là từ chối trả tiền hối lộ (21%).
Đa số người dân (51%) tin rằng khó có giải pháp hữu hiệu vì những gì xảy ra trong thực tế đã chỉ ra điều đó.
Mặc dù, báo cáo sự cố tham nhũng được người dân nhìn nhận là hành động chống tham nhũng hiệu quả nhất, nhưng thực tế  là trong khoảng 75 triệu người đã phải trả tiền hối lộ trong năm qua, chỉ có 12% nói rằng họ đã báo cáo chuyện này.
Và một tia hy vọng  để giải quyết tham nhũng đã xuất hiện tại Senegal khi chính phủ đã rất khuyến khích chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, một trong những phong trào chống tham nhũng của người dân hoạt động khá hiệu quả là của Kenya mang tên “Tumechoka” (có nghĩa là “chúng ta đã quá mệt mỏi” trong tiếng Swahili). Các nhà hoạt động xã hội nước này đã tuần hành và biểu tình phản đối những hành động của chính phủ khi đối mặt với bất ổn của hệ thống công và khủng bố, chống lại luật bất thành văn của cảnh sát thu phí giao thông bất hợp pháp khiến người dân Kenya quá mệt mỏi…
Đồng thời, còn có phong trào kêu gọi người dân cả nước nói “không” với hối lộ cho hệ thống hành chính công, được sự hưởng ứng và ghi nhận của chính phủ đất nước này.
Đầu tháng 6/2011, Chính phủ Kenya đã đi tiên phong tại châu Phi và là một trong những chính phủ đầu tiên trên thế giới có chính sách hoàn toàn “mở” về dữ liệu. Chính phủ nước này cho phép công bố trực tuyến hàng triệu tài liệu trước đây chỉ lưu hành nội bộ. Mục tiêu về sự minh bạch triệt để trong một chính phủ thường xuyên xếp hạng tham nhũng cao nhất trên thế giới thật sự có tính cách mạng.
Các chuyên gia cho rằng chính sách cởi mở sẽ “thay đổi toàn bộ cách chính phủ quan hệ với công chúng, đồng thời là một đòn giáng mạnh vào nạn tham nhũng”. Tuy nhiên kế hoạch này vấp phải sự phản đối của một số ban ngành. Bộ Kế hoạch Kenya từ chối cung cấp dữ liệu trong suốt một năm trước khi chịu khuất phục.
Kể từ khi Tổng thống Macky Sall nhậm chức năm 2012, Senegal đã thông qua một loạt các cải cách chống tham nhũng, trong đó có sự đóng góp của người dân. Điều này cho thấy nhận thức ngày càng rõ ràng hơn về sự nguy hiểm của tham nhũng.

Post a Comment

Previous Post Next Post