Nga công khai cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ dính líu tới IS

Ảnh minh họa. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Ảnh: Wiki)
Ảnh minh họa. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Ảnh: Wiki)
Theo BBC, hôm thứ Hai (30/11), trong khi các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu về Paris để tham dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP21, Nga đã công khai cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga là để che đậy việc mua bán dầu hỏa với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Chúng tôi có đủ mọi lý do để tin rằng quyết định bắn hạ máy bay được chỉ đạo bởi mong muốn bảo vệ nguồn cung cấp dầu hỏa cho Thổ Nhĩ Kỳ,” Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trước buổi họp báo ở Paris hôm thứ Hai (30/11). Ông nói rằng Nga đã nhận thêm thông tin cho thấy dầu của IS đang chảy vào đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã chỉ trích Nga vu khống khi đưa ra các cáo buộc tương tự. Hôm 24/11, một chiếc Su-24 của Nga bị không lực Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, nói rằng máy bay vi phạm không phận nước họ. Hôm nay tại Paris, ông Putin lại tiếp tục nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm “một sai lầm to lớn”.
Cùng lúc đó, CNN đưa tin thi thể của phi công Nga bị dân quân ở Syria bắn chết sau khi nhảy dù ra khỏi máy bay hôm 24/11 đã được Thổ Nhĩ Kỳ đưa trả về Moscow. Ngoài ra, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau phát biểu trong buổi họp báo rằng “các thông tin hiện có chỉ ra rằng chiếc máy bay quân sự đã ở trong lãnh thổ không phận Thổ Nhĩ Kỳ”.
Căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang
Phát biểu công khai của ông Putin trước các nguyên thủ thế giới cho thấy căng thẳng hai bên chưa thể có dấu hiệu “giảm nhiệt” sau 6 ngày sự việc xảy ra. Cái khó ở đây là một trong hai bên phải xuống nước, hoặc là Nga nhận sai, hoặc là Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi.
Nga, trước giờ luôn thể hiện mình là cường quốc quân sự, đã ngỏ ý chờ đợi một lời xin lỗi từ phía Thổ Nhĩ Kỳ rồi sẽ có thể bỏ qua sự việc.
Trước đó, trong một động thái mềm mỏng hơn sau chuỗi đấu khẩu qua lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã mở lời muốn đàm phán với trực tiếp với Putin để làm giảm căng thẳng. Thậm chí ông Erdogan đã từng nói ông thấy “đau lòng” vì mất mát của phía Nga và ước rằng việc này đã không xảy ra.
Tuy nhiên, lời xin lỗi mà ông Putin muốn nghe đã trở nên xa vời khi trong ngày thứ Hai (30/11), Mỹ đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ khi lên tiếng rằng các thông tin họ có được cho thấy máy bay Nga quả thực đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ cũng phủ nhận việc Nga đã gửi thông tin về đường bay của chiếc Su-24 cho Mỹ, tiếp tục dội một “gáo nước lạnh” lên tuyên bố của ông Putin.

Cùng với việc được Mỹ hậu thuẫn, tại Brussels (Bỉ), Thổ Nhĩ Kỳ lại giành được sự ủng hộ của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), liên minh quân sự hùng mạnh, đối đầu với Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh. NATO đứng về phía thành viên của mình, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ lãnh thổ.
Cùng lúc đó Liên minh châu Âu lại ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, tăng viện trợ và xúc tiến tiến trình đàm phán gia nhập vào khối này, đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp họ bảo vệ biên giới trước dòng người nhập cư. Tóm lại, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên bàn đàm phán quốc tế trong mấy ngày qua đã tăng lên mấy bậc, và nguyên thủ của nước này tỏ ra chẳng e dè gì trước một ông Putin quyền lực và sắt đá.
Ông Erdogan thậm chí còn có vẻ “kẻ cả” khi nói rằng nước ông sẽ phản ứng trước tranh cãi với Nga “một cách lý trí và bình tĩnh chứ không cảm tính”. Nga đã nhanh chóng ký một sắc lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà dường như mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế Nga cũng nhiều như những tác động ảnh hưởng tới đối phương.
Hai bên vẫn đang đối đầu với nhau và chưa rõ sẽ tháo gỡ căng thẳng như thế nào. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã dõng dạc tuyên bố “không nước nào được phép yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi” tại bàn họp các thành viên NATO ở Brussels (Bỉ). Với thông tin mới nhất từ phía Mỹ, liệu Nga có thừa nhận “nhầm lẫn” thông tin về chiến cơ Su-24 hay lại đẩy căng thẳng lên một bước mới?
Bước đi tiếp theo
Tại Brussels, trong khi khẳng định đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ, NATO cũng đang tìm cách làm dịu căng thẳng với Nga và tránh nổ ra một xung đột mới. Các Ngoại trưởng trong khối NATO đang kêu gọi tái thực thi một bộ quy tắc với Nga từ thời chiến tranh lạnh, được biết với tên “tài liệu Viên”, trong đó có các đường dây nóng và các kênh liên lạc quân sự.
Pháp thì lại “đau đầu” vì mâu thuẫn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nước này vốn cũng đang hy vọng vào một sự hợp tác giữa Nga và phương Tây sau khi Tổng thống Francois Hollande kêu gọi hợp tác nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố.
Gần đây nhất, bên lề hội nghị thượng đỉnh khí hậu đang diễn ra tại Paris, Tổng thống Mỹ Obama đã gặp Tổng thống Nga Putin, tái khẳng định lập trường của Mỹ về cuộc chiến Syria và các vấn đề tại Ukraine.

Post a Comment

Previous Post Next Post