Sau khủng bố Paris, diện mạo nào cho cuộc chiến chống IS?

Ảnh minh họa. 10 lãnh đạo tham dự cuộc họp G8 vào năm 2013, trong đó gồm có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron vốn có vai trò và ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến chống khủng bố IS. (Ảnh: Wiki)
Ảnh minh họa. 10 lãnh đạo tham dự cuộc họp G8 vào năm 2013, trong đó gồm có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron vốn có vai trò và ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến chống khủng bố IS. (Ảnh: Wiki)
Tổ chức Khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria đang ngày càng cho thấy sự nguy hiểm của mình bằng các cuộc “thánh chiến” chống các nước phương Tây ở ngay trên lãnh thổ của họ. Sau cuộc thảm sát ở Paris khiến ít nhất 129 người thiệt mạng, thế giới lại một lần nữa bừng tỉnh trước vấn nạn khủng bố đang đe dọa toàn cầu và những nhà lãnh đạo của các cường quốc lại phải gấp rút họp mặt nhằm tìm ra một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, đằng sau những cuộc không kích liên tục nhắm vào IS thì ai mới là nạn nhân thực sự?
Khả năng các cường quốc gạt bỏ bất đồng, hiệp lực trong cuộc chiến chống IS
Gần đây nhất, vào ngày hôm qua (29/11), Đức đã vạch ra kế hoạch tăng cường tấn công IS, tuy nhiên cũng không đưa binh lính trực diện giao chiến với IS.
Trước đó, hôm thứ Năm (26/11), Quốc hội Anh có phiên tranh luận rằng Không quân Hoàng gia Anh có nên cùng đồng minh Mỹ, Pháp tham chiến khủng bố IS ở Syria hay không.
Không lực Anh quốc đã tham gia thực hiện các cuộc không kích ở Iraq, nhưng hạn chế và không có hiệu quả. Năm 2013, Thủ tướng Anh David Cameron muốn đánh bom nhắm vào chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở thủ đô Damascus vì cáo buộc chính phủ ông al-Assad dùng vũ khí hóa học để sát hại thường dân, nhưng không được Quốc hội Anh thông qua. Hai năm trôi qua, chế độ ông al-Assad dường như sắp “lung lay” thì Nga lại chính thức can thiệp vào, dùng danh nghĩa chống khủng bố IS để vực dậy đồng minh của mình tại Syria và nhằm đảo bảo các lợi ích của Nga ở khu vực Trung Đông.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair đã từng bị chỉ trích nặng nề, đồng thời sự nghiệp chính trị của ông chịu tổn thất nặng nề vì đã dẫn dắt nước Anh sa lầy trong cuộc chiến tại Iraq vào năm 2003. Điều tương tự cũng từng xảy ra với Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush. Chính vì vậy Tổng thống đương nhiệm của Mỹ, ông Barack Obama, luôn phải dè dặt trong mọi động thái đối với Syria, bởi ông lo ngại Mỹ sẽ sa lầy vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông.
Khả năng liên quân phương Tây gửi lính bộ binh tới tham chiến trực tiếp chống IS là hầu như không thể xảy ra. Thêm nữa, mặc dù phương Tây vốn không chấp nhận chế độ độc tài của ông al-Assad, nhưng các lực lượng nổi dậy ở Syria lại không đủ mạnh, đủ thống nhất, và đủ ôn hòa về mặt tín ngưỡng tại Syria để hỗ trợ dưới mặt đất khi máy bay của liên minh quốc tế không kích IS và đồng thời có thể làm yên lòng thường dân tại nước này. Ông al-Assad bị tố là độc tài và tấn công chính người dân thường của mình; dân quân người Kurd thì bị ghét bỏ và sợ hãi vì lý do sắc tộc; lực lượng Quân giải phóng Syria (FSA) thì quá yếu, manh mún và không có tổ chức, mặc dù các nỗ lực huấn luyện lực lượng này đã làm tiêu tốn khoảng nửa tỷ USD của Mỹ và kết thúc trong thất bại.
Các vấn đề trên đã xuất hiện từ lâu, do đó dường như các lãnh đạo thế giới đành “mắc kẹt” và dừng lại ở việc tổ chức các cuộc không kích IS tại Syria như một việc làm “chiếu lệ”, dù không rõ kết quả sẽ đi đến đâu.

Tuy nhiên, sau khi IS tổ chức vụ tấn công khủng bố làm rúng động Paris hai tuần trước, các nhà lãnh đạo thế giới không thể tiếp tục ngồi yên. Hiểm họa khủng bố đã tìm đến ngay trước cửa nhà của họ. Nga, Pháp, Mỹ lần lượt nhóm họp, tuyên bố gạt bỏ các bất đồng sang một bên để cùng hiệp lực chống IS.
Không may là khi chưa có bất kỳ một thông báo khả quan nào về việc hợp sức chống IS thì tình hình thế giới tiếp tục “nóng” lên sau khi xảy ra sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO (tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), một liên minh quân sự gồm 28 quốc gia trong đó có cả Mỹ và Pháp, vốn không “thuận thảo” với Nga từ thời chiến tranh lạnh. Sự cố này khiến NATO không thể bỏ rơi một thành viên của mình vì có các ràng buộc và cam kết, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lại là một điểm chốt rất quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng người nhập cư ở châu Âu, phần lớn là những người tị nạn chạy trốn IS từ Syria và Iraq. Hơn nữa, vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ cũng mang tính quyết định tới cuộc chiến chống khủng bố vì đây là nơi gần nhất mà liên quốc quốc tế do Mỹ dẫn đầu có thể phóng máy bay ném bom xuống Syria.
Theo tin mới nhận, không lâu sau khi Paris bị khủng bố tấn công, EU vừa phải “xuống nước” và đưa ra các điều kiện như tăng tiền viện trợ và xúc tiến “quá trình gia nhập EU” của Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ siết chặt biên giới, chặn con đường chính của người tị nạn, vốn bị e ngại là có các phần tử khủng bố trà trộn vào để đi tới châu Âu.
Nga, vốn trên vị thế là một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi mới tiến hành đàm phán. Điện Kremlin cũng đang rục rịch ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể EU và NATO sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ “xuống nước” một chút, vì vấn đề IS quan trọng hơn rất nhiều so với việc tranh cãi giữa hai quốc gia.
Tình cảnh “trên đe, dưới búa” của người dân Syria
Trên thực tế, lợi ích của Nga trong cuộc chiến ở Syria lại khác hơn rất nhiều so với liên quân phương Tây. Và sự kết hợp của hai bên, nếu có thể thực hiện được, thì cũng mang tới một nỗi sợ mới cho thường dân tại Syria. Sự xuất hiện ngày càng thường xuyên với những cái bắt tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp François Hollande khiến người dân Syria e ngại về việc phương Tây sẽ thỏa hiệp với Nga, khoan nhượng trong việc muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức. Theo ý kiến của nhiều người, dù có loại bỏ được IS nhưng nếu chế độ của ông al-Assad vẫn tồn tại thì thường dân tại Syria vẫn phải gánh chịu nhiều nỗi đau khổ.
Hiện tại, tình huống của người dân Syria là: “trên ‘đe’ IS, dưới ‘búa’ không kích liên quân quốc tế bắn nhầm”, bên cạnh việc chế độ ông al-Assad dường như cố ý dội bom vào họ trong những cuộc tấn công vào các lực lượng nổi dậy tại Syria.
Theo The Guardian, những người chạy thoát khỏi Syria mô tả cuộc sống bức bối như “động vật” tại căn cứ Raqqa của IS tại Syria. IS hiện không còn cho thường dân chạy trốn dễ dàng như trước nữa mà nhốt họ lại để dùng họ làm lá chắn sống trước không lực của phương Tây. Chỉ những người bệnh tật không có thuốc chữa mới được thả ra ngoài.
Trẻ em không được đến trường và ra khỏi nhà, hầu hết phụ nữ bị cấm làm việc. Một người mới thoát khỏi Raqqa nói rằng thường dân không mấy khi ra khỏi nhà vì “chẳng bao giờ biết được bom đổ xuống xuống đầu. Vì vậy, nếu họ (phương Tây) có nhầm lẫn thì bạn sẽ chết cùng gia đình của mình, chứ không phải một mình trên đường, nơi không ai biết bạn là ai”.
Một người đào thoát từ Raqqa, ông Abu Ahmad, mô tả việc thành phố Raqqa bị đánh bom bừa bãi đến mức “bất kỳ ai vừa cãi nhau với vợ cũng quyết định tới ném bom xuống Raqqa. Jordan, Ả Rập, Mỹ, Nga, rồi Pháp”.
Trong khi nhiều người phản đối việc tăng cường ném bom của phương Tây vì không đi đến kết quả nào, thì hầu như ai cũng đồng thuận với việc phải xóa bỏ IS. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Nga và Iran đang khiến nhiều người lo ngại rằng phương Tây đang “nương tay” hơn với chế độ độc tài của ông al-Assad tại Syria.
Mona, một giáo viên và nhà hoạt động trốn khỏi Raqqa nói rằng:
“Các trận không kích có giúp chúng tôi trở về nhà và xóa bỏ cả chế độ (al-Assad) và IS không? Cả hai cùng là khủng bố. Làm sao các ông ném bom bên này mà không ném bom bên kia?”
Người dân vẫn tiếp tục bị tổn thương và ám ảnh nỗi lo sợ về một cuộc xung đột, vốn bắt đầu như một cuộc cách mạng của hy vọng và niềm tin rồi nhanh chóng tuột dốc trở thành cơn ác mộng kinh hoàng nhất, và rằng bạo lực chỉ mang tới thêm bạo lực mà thôi.
Tóm lại, trước mắt chưa có một giải pháp nào khả thi để chấm dứt xung đột tại Syria cũng như giải quyết rốt ráo vấn đề liên quan đến IS. Trong thời gian tới, thế giới có thể sẽ chứng kiến Nga và liên minh phương Tây tăng cường ném bom IS với hỏa lực gia tăng, trong khi EU tiếp tục siết chặt biên giới để ngăn người tị nạn nhằm giảm bớt rủi ro tiềm ẩn về nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, những người phải chịu đựng nhiều nhất không phải là khủng bố IS hay chế độ độc tài al-Assad mà vẫn là những thường dân vô tội Syria.


Post a Comment

Previous Post Next Post