Kinh doanh cùng bạn đời: Nên hay không nên?

(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)
Bạn có ý định thành lập công ty để cùng bạn đời kinh doanh không? Bạn hãy tìm hiểu kỹ về lợi ích và khó khăn khi kinh doanh cùng bạn đời. Về khái quát thì lợi ích mà bạn nhìn ngay thấy được đó là bạn sẽ kinh doanh cùng một người mà bạn tin tưởng, còn khó khăn là làm thế nào để cân bằng giữa công việc kinh doanh và tình cảm giữa hai vợ chồng. Hẳn bạn cũng thấy có cặp vợ chồng kinh doanh cùng nhau thì thành công, còn có cặp vợ chồng khi kinh doanh với nhau thì kết quả lại là một cuộc chia ly theo đúng nghĩa.
Tạp chí Forbes đã tiến hành một số cuộc phỏng vấn với đối tượng là các cặp vợ chồng kinh doanh cùng nhau về chủ đề nên hay không nên cùng bạn đời kinh doanh. Kết luận chung rút ra từ các cuộc phỏng vấn này là khá là khó khăn để tạo ra sự hòa hợp cả trong công việc kinh doanh và quan hệ gia đình. Điều rút ra từ kết quả của cuộc phỏng vấn này là nếu bạn có ý tưởng kinh doanh cùng bạn đời, hãy cân nhắc kỹ các vấn đề dưới đây:
1. Liệu hai bạn có thể cùng nhau đồng lòng dồn hết sức lực vào công việc kinh doanh chung không?
Nếu hai bạn hoàn toàn có thể cùng nhau chung sức, chia sẻ công việc, cùng dành đủ một lượng thời gian và công sức nhất định cho công việc kinh doanh chung, có thể nói hai bạn sẽ có cơ hội cùng nhau đi tiếp. Nếu một bên thì hết lòng hết sức tâm huyết cho công việc kinh doanh, còn một bên lại thờ ơ và có những ý kiến trái chiều, thì e rằng việc kinh doanh của hai bạn khó có thể thành công. Điều này không biết chừng cũng sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc hôn nhân của hai bạn.
2. Cần làm rõ vai trò của từng người trong công tác điều hành kinh doanh
Thông thường khi mới bắt đầu kinh doanh, hai bạn sẽ phân định rõ vai trò của từng người. Tuy nhiên, sau một thời gian làm, có thể một bên nhận ra rằng họ không phù hợp với vai trò đó. Bạn có phải là người sẵn lòng thay đổi lại vai trò không? Nếu bạn không sẵn lòng, e rằng công việc kinh doanh chung khó có thể thành công, vì sẽ rất vất vả và khó khăn cho người phải làm công việc không phù hợp với họ. Hoặc hai bạn sẽ phải thay đổi lại vai trò, hoặc một trong hai bạn cần bước ra khỏi công việc kinh doanh đó. Vì mục tiêu chung là sự thành công của công việc kinh doanh, hai bạn cần xem lại có nhất thiết phải đảm bảo sự bình đẳng một cách lý thuyết cho công việc kinh doanh này không.
3. Có cùng một tầm nhìn về mục tiêu kinh doanh.
Mặc dù hai bạn đã cam kết là sẽ cùng chung sống với nhau suốt đời, nhưng điều đó không có nghĩa là hai bạn lại có cùng một tầm nhìn, cùng một mục tiêu cho công việc kinh doanh chung. Nếu bạn chỉ muốn xây dựng một công ty nhỏ thôi, chỉ cần trang trải cuộc sống và có chút tiết kiệm, còn chồng bạn lại muốn xây dựng nên một công ty to có tầm cỡ quốc tế, vậy thì sẽ có những vấn đề lớn phát sinh giữa hai bạn. Sẽ rất khó để một công ty phát triển tốt nếu những nhà sáng lập không đồng thuận trong khi nhìn nhận đâu là mục tiêu của công ty.

4. Tôn trọng lẫn nhau
Nếu trong cuộc sống đời thường của hai bạn, hai bạn thường xuyên tôn trọng lẫn nhau, vậy thì có thể nghĩ đến công việc kinh doanh cùng nhau. Còn nếu không, có lẽ hai bạn đừng nên có ý tưởng kinh doanh cùng nhau nữa. Vì khi kinh doanh sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, vì người này sẽ cảm nhận ngay được sự khó chịu của người kia. Và khi bạn cảm thấy không được tôn trọng, khi bạn thường xuyên thấy người bạn đời khó chịu về mình, liệu bạn có thể sáng suốt khi giải quyết các vấn đề không?
5. Biết cách dừng lời đúng lúc
Kinh doanh thực sự là công việc khó khăn và thách thức, giờ lại thêm vấn đề hôn nhân vào trong đó nữa, điều này quả là sự ràng buộc lớn. Các cặp đôi nhìn nhận rằng cần phải biết cách định rõ khi nào không nên trao đổi về các chủ đề liên quan đến kinh doanh thì họ mới có khả năng thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, tiếc rằng đại đa số các gia đình lại thường mang các vấn đề của công ty về nhà, các vấn đề đó lại được trao đổi khi ăn tối hay thậm chí khi đi ngủ. Và kết quả là các vấn đề cần giải quyết lại trở nên nhiều hơn. Vậy nên bạn cần biết giới hạn của việc thảo luận các chủ đề của công việc kinh doanh khi ở nhà.
Cũng theo thống kê của tạp chí Forbes, chỉ một phần nhỏ trong tổng số 1,2 triệu cặp vợ chồng cùng nhau làm ăn ở Mỹ là gặt hái được thành công. Một số gia đình đã phải quyết định là thuê người quản lý khác để duy trì cuộc hôn nhân của họ. Một trong những cặp vợ chồng mà Forbes đã tiến hành phỏng vấn là ông Christian Brown, cặp vợ chồng kinh doanh tương đối thành công với thương hiệu nổi tiếng GlassDoor, vợ chồng ông chia sẻ rằng quyết định đi đến kinh doanh cùng nhau của họ không dễ dàng gì, vì họ cũng lo ngại sẽ mất đi niềm hạnh phúc vợ chồng.
Với ông bà Brown, trước mọi khó khăn xảy ra, cả hai người đều phải nghĩ rằng hôn nhân là ưu tiên hàng đầu vì nếu đặt chuyện làm ăn lên hàng đầu thì nhiều khi hai bạn sẽ mất cả chì lẫn chài, tức cả kinh doanh và hôn nhân. Một điểm quan trọng nữa là hai người cần trung thực thảo luận mọi vấn đề để giải quyết khó khăn và nếu cảm thấy không làm được thì thuê người làm hoặc thuê người cố vấn. Điều trọng yếu nhất và cũng là điều đầu tiên cần làm đó là bạn đừng bao giờ yêu cầu vợ hoặc chồng của mình kinh doanh cùng, trừ khi họ thực sự muốn như vậy.
Kinh doanh cùng bạn đời thực sự là rất thách thức, đặc biệt là khi cá tính của hai vợ chồng lại trái ngược nhau, họ nghĩ rằng tính cách trái ngược nhau thì mới thu hút nhau, nhưng nếu cùng nhau kinh doanh thì tính cách trái ngược nhau này lại biến thành trở ngại rất lớn. Cả hai bên cùng phải hiểu rằng họ sẽ phải thật sự cố gắng vượt qua cái tôi của bản thân, mà điều này quả là không dễ dàng gì.

Post a Comment

Previous Post Next Post